Thống nhất mô hình tổ chức y tế địa phương

Qua thực tế ở các địa phương cho thấy, mạng lưới y tế tuyến tỉnh, huyện ở nước ta còn nhiều bất cập về mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại tuyến tỉnh hiện có từ năm đến chín, thậm chí có địa phương có tới hơn mười đơn vị làm công tác phòng, chống các dịch bệnh, như: trung tâm y tế dự phòng; trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; trung tâm phòng, chống các bệnh xã hội… Nhiều đầu mối dẫn đến dàn trải về nguồn lực đầu tư cũng như con người.

Tuyến huyện cũng nằm trong tình trạng tương tự, ngoài phòng y tế (trực thuộc UBND huyện) cả nước vẫn còn 450 huyện (trong tổng số 715 huyện) có cả bệnh viện và trung tâm y tế, trong khi đó, vấn đề nhân lực trình độ cao (bác sĩ) đang là bài toán nan giải cho các đơn vị y tế tuyến huyện… Thực tế đó đặt ra yêu cầu đổi mới, hướng tới thống nhất trong tổ chức quản lý, điều hành và tinh gọn mà vẫn bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Khắc phục bất cập đó, từ cuối năm 2015, liên Bộ Y tế và Nội vụ đã ban hành và áp dụng Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV (Thông tư 51) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố; phòng y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện kiện toàn, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính.

Các chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện đúng tinh thần của Thông tư 51 sẽ tạo sự thống nhất trong quản lý hệ thống y tế địa phương trong cả nước, giảm được các đầu mối, giảm số lượng cán bộ làm công tác quản lý…; phù hợp xu hướng phát triển chung của các nước trong khu vực và thế giới. Ở tuyến tỉnh, nếu sáp nhập các đơn vị có cùng chức năng (tính trung bình sáu đơn vị/một tỉnh) thành lập mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật thì sẽ giảm 315 đơn vị đầu mối với 1.260 cán bộ lãnh đạo, quản lý (chưa kể các đầu mối hành chính, tài chính). Còn tại tuyến huyện, nếu sáp nhập các đơn vị tại 450 huyện thì sẽ giảm được 450 đầu mối tổ chức với 1.800 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nếu giảm về số cán bộ quản lý thì sẽ tăng được số người làm công tác chuyên môn. Và khi tập trung về một đầu mối, việc điều tiết các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.

Đến nay đã có 24 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình này hoặc giao Sở Y tế xây dựng đề án, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn chưa có sự thống nhất, mỗi địa phương làm một kiểu. Có địa phương sáp nhập hai, ba, bốn đơn vị lại thành trung tâm kiểm soát bệnh tật, nhưng lại có nơi (như Hà Nội) tổ chức lại chín đơn vị thành một và giữ nguyên tên gọi là Trung tâm Y tế dự phòng... Thực tế đó đòi hỏi Bộ Y tế cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể về mô hình; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của trung tâm kiểm soát bệnh tật để các địa phương thống nhất áp dụng.

Tại các địa phương đã thực hiện theo quy định mới, về cơ bản hệ thống y tế đã ổn định cơ cấu tổ chức và đi vào hoạt động có hiệu quả; việc sắp xếp tổ chức các đơn vị y tế theo hướng giảm đầu mối tổ chức, gọn nhẹ, hợp lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và hoạt động chuyên môn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, gắn với mục tiêu tinh giản biên chế. Tuy nhiên các địa phương cũng cần tổ chức, sắp xếp, bố trí nhân lực hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhất là đối với chức danh lãnh đạo quản lý và bộ phận làm công việc hành chính. Đi liền với đó là tìm cơ chế tài chính bảo đảm đáp ứng việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phù hợp mô hình tổ chức sau khi được kiện toàn, sắp xếp lại.

TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32923002-thong-nhat-mo-hinh-to-chuc-y-te-dia-phuong.html