Thong dong Hà Nội

Trong bộ phim để đời của đạo diễn Trần Văn Thủy - "Hà Nội trong mắt ai" - cảnh đầu tiên là những đôi tay bấm phím điêu luyện cùng tiếng guitar mềm mại. Đó là trường đoạn nghệ sĩ guitar Văn Vượng đang chơi bản "Hà Nội trong mắt ai", bản nhạc ông sáng tác riêng cho bộ phim tài liệu cùng tên.

Nhưng Văn Vượng là người khiếm thị và đạo diễn Trần Văn Thủy, bạn ông, đã chọn cách mở đầu câu chuyện về Hà Nội như thế. "Nghe tiếng đàn của người bạn mù so trên cảnh trí Hà Nội, ta bỗng quý giá những gì mà ta đang thấy, bỗng yêu thêm những gì cùng sống quanh ta" - lời bình đến đoạn ấy, máy quay lia từ vòm cây xuống con đường Đinh Tiên Hoàng chạy quanh Hồ Gươm, với những chiếc xe đạp thong dong cùng những thiếu nữ tóc phi-dê. Tiếng động hiện trường lảnh lót leng keng chuông xe đạp, tiếng í ới ai đó gọi nhau, vừa đủ duyên. Đó là năm 1982.

Bây giờ là năm 2016, hơn 30 năm sau khi "Hà Nội trong mắt ai" ra đời. Nếu cũng góc đường ấy, cũng cú lia ấy, cũng tiếng hiện trường ấy, thì hoặc đạo diễn Thủy sẽ phải chọn nhạc điện tử để át đi tiếng còi xe, hoặc nghệ sĩ Văn Vượng sẽ phải chuyển sang chơi trống.

Hà Nội ồn ào, tấp nập. Và những gì ồn ào tấp nập nhất của Hà Nội thì gom lại quanh Hồ Gươm.

Ảnh minh họa.

Tôi sinh ra cạnh Bờ Hồ. Từ khi biết nhận thức đến nay, rất hiếm hoi tôi thấy Hồ Gươm và phố cổ được nghỉ ngơi. Có chăng, là những sớm tinh mơ mồng một Tết, mở cửa ra mới vắng bóng người xe.

Bởi vậy, khi tuyến phố đi bộ mở ra vào những ngày cuối tuần thì khao khát được vận động trong bình yên của người Hà Nội mới vỡ ùa ra.

Cuối tuần vừa rồi, tôi dẫn con đi bộ quanh Hồ Gươm. Thằng bé ban đầu có vẻ chán và mệt. Nhưng rất nhanh, nó bị hấp dẫn bởi những giao tiếp chậm. Con tôi tự mua một chai nước từ máy bán hàng tự động; thích thú trò chuyện với một người nước ngoài tập tạ cùng đám thanh niên; hào hứng ném bánh mỳ cho đàn cá dưới hồ thi nhau rỉa; và chạy căng chân dưới những bóng cây cổ thụ. Đó cũng là lần đầu tiên sau 6 năm có con, tôi không phải lo lắng khi cho cháu đi chơi trên phố. Chỉ có điều, khi sang đường, mặc dù không có một chiếc xe nào, con tôi vẫn hết sức thận trọng, nhìn trước ngó sau.

Vẻ nhìn trước ngó sau là một trong những kỹ năng sinh tồn của người Hà Nội hiện đại. Nó đảm bảo an toàn cho chúng ta. Nhưng nó biến nhiều người dân Hà Nội, vốn thong dong chậm rãi và nhiều khi điệu đà, trở thành một “loài” kỳ quặc, có dáng tất tả đầu lao về phía trước nhưng lại vai cổ co rụt vì e sợ những điều bất trắc trên đường.

Còn tôi đi bên Hồ Gươm, ngắm nhìn mọi người. Đó là một quang cảnh hết sức thú vị. Người ta cứ đi thôi, bên nhau, ít thấy ai nói gì, cứ đi, với vẻ rất đỗi thỏa mãn.

Rồi tôi nghe. Lâu lắm rồi, tôi mới lại lắng nghe điều gì đó khi đi ngoài đường. Tiếng chim hót ríu ran. Tiếng gió thổi xạc xào tầng lá. Tiếng cười của bọn trẻ. Cả tiếng bước chân. Đó mới là tiếng người. Rồi, bất chợt như một món quà, từ đồng hồ 4 mặt trên nóc Bưu điện Hà Nội phát ra tiếng nhạc. Đó là đoạn đầu bài "Người Hà Nội" bất hủ của Nguyễn Đình Thi:

"Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội

Hà Nội mến yêu...".

Và sau đó là 12 tiếng chuông. Rành rọt, vọng vang. Từ lâu lắm rồi, tôi không còn nghe được âm thanh đó, dù vẫn đi ngang đồng hồ bưu điện mỗi ngày.

Đã hơn 30 năm rồi, không có một bộ phim tài liệu nào nói về Hà Nội vừa khái quát vừa chi tiết vừa gần vừa xa vừa tả chân vừa ý nhị như "Hà Nội trong mắt ai". Dĩ nhiên không phải vì Hà Nội không có gì mới hơn để nói. Ngược lại, Hà Nội của đạo diễn Trần Văn Thủy đã vĩnh viễn ngủ yên trong bộ phim của ông. Giờ đang thức là một Hà Nội khác, cũng khao khát được tìm hiểu. Cách thức thì vẫn như cũ thôi, nghệ sĩ Văn Vượng đã gợi ý hơn 30 năm trước rồi: lắng nghe và cảm nhận.

Bởi thế, hóa ra món quà lớn nhất mà những tuyến phố đi bộ cuối tuần mang lại cho con người - đó là thời gian để lắng nghe và cảm nhận cuộc sống của mình, trong tĩnh lặng.

Theo Gia Hiền/Vnexpress.net

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/thong-dong-ha-noi.html