Thống đốc Lê Minh Hưng: Nếu được thông qua cơ chế xử lý nợ xấu sẽ giải phóng lượng vốn lớn

Năm 2018, theo quy định, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm xuống còn 40%. Tuy nhiên, để phục vụ cung ứng vốn dài hạn cho doanh nghiệp, Tư lệnh ngành ngân hàng đã bỏ ngỏ về việc điều chỉnh tỷ lệ này.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được xem xét

Được ví như mạch máu của nền kinh tế, tại Việt Nam hiện nay, ngành ngân hàng đang cung ứng tới 70% vốn cho nền kinh tế. Trong khi doanh nghiệp đáng ra phải huy động từ thị trường vốn nhưng do đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, ngân hàng lại đang cho vay doanh nghiệp kỳ hạn trung dài hạn, với tỷ trọng lên tới 53-55% tổng dư nợ. Nhưng huy động vốn trung và dài hạn chỉ chiếm 13-15% tổng vốn huy động.

Số liệu nghịch lý này đã được Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo tại tại hội nghị Thủ tướng đối thoại doanh nhân “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiện đang được quy định ở mức 50% và sẽ giảm xuống 40% trong năm tới.

Tuy nhiên, Thống đốc cho biết tại Hội nghị: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo cung ứng vốn dài hạn cho doanh nghiệp”.

Xử lý nợ xấu sẽ giải phóng lượng lớn tín dụng

Nhiều cải cách, hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế được ngành ngân hàng thực hiện trong thời gian qua như đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá, giảm quy trình, thủ tục vay vốn, đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 đạt 18,25% và đang tăng tốt ngay từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 30/4 đạt 5,76%.

Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ). Tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với DNVVN chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Mặt bằng giảm tương đối mạnh thời gian qua. Báo cáo tại Hội nghị, từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với SXKD, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011 chỉ tương đương 40% so với mặt bằng lãi suất năm 2011.

Thống đốc cũng chỉ ra hạn chế trong xử lý nợ xấu đã ảnh hưởng đến việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay. NHNN đang trình Bộ Chính trị về việc cơ cấu lại tổ chức tài chính gắn với xử lý nợ xấu.

Nếu được thông qua sớm và thực hiện sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Đồng thời, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp có nợ xấu đã được xử lý sẽ được tạo điều kiện để tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh.

Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, điều hành tỷ giá gặp nhiều khó khăn do các biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế sau sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống, Fed tăng lãi suất cùng việc cung-cầu ngoại tệ kém thuận lợi, nhập siêu lớn, yếu tố đầu cơ,… Tuy nhiên, với việc chuyển sang điều hành tỷ giá trung tâm, có kết hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1-1,2%

Cung cầu ngoại hối rất ổn định, hơn nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. NHNN cũng đã mua về lượng lớn dự trữ ngoại tệ, đưa dự trữ ngoại hối chính thức đạt mức cao nhất từ trước đến nay, Thống đốc cho biết.

Năm qua, NHNN đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua như thay đổi về pháp lý về ngân hàng. Thông tư 39 đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD.

Thủ tục vay vốn bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, giảm đáng kể thời gian thực hiện quy trình dịch vụ. Theo thống kê, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; Một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...

Đồng thời, thời gian qua, các hoạt động đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp cũng đã được tích cực thực hiện điển hình như tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đối với 13 tỉnh vùng ĐBSCL ngày 13/5/2017. ( xem thêm )

>> [Live Hội nghị Diên Hồng] Thủ tướng chỉ đạo dành nhiều thời gian cho doanh nghiệp nêu ý kiến

>> NHNH: Tín dụng đến cuối tháng 4 đã lên tới 5,76%, cao nhất 8 năm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/thong-doc-le-minh-hung-neu-duoc-thong-qua-co-che-xu-ly-no-xau-se-giai-phong-luong-von-lon-20170517104136930p4c149.news