Thông điệp đặc biệt Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản mang tới Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của Lao Động, ông Hatsuhisa Takashima, Đại sứ, Thư ký báo chí của Nhà vua Nhật Bản, Trợ lý đặc biệt Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khẳng định về thông điệp đặc biệt mà Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản mang đến Việt Nam trong chuyến thăm lần này.

Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu mang thông điệp nhân văn và hòa bình tới Việt Nam.

- Thông điệp đặc biệt mà Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu muốn chuyển tải trong chuyến thăm Việt Nam lần này là gì, thưa ông?

- Chuyến thăm Việt Nam lần này của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản không nằm ngoài mục đích thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai dân tộc, để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng như vì nền hòa bình của thế giới.

Như tôi chia sẻ nhiều lần trong các cuộc họp báo, Nhà vua Nhật Bản không có quyền lực chính trị và không tham gia điều hành về mặt hành chính đối với nhà nước. Thay vào đó, Nhà vua là biểu tượng cao quý của Nhật Bản, biểu tượng cho đoàn kết dân tộc. Chính vì vậy, người dân Nhật Bản luôn có sự tôn trọng bằng cả trái tim và tâm huyết của mình với biểu tượng này.

Và cũng với mong muốn thúc đẩy hơn nữa các giá trị nhân văn, hòa bình và phát triển trên toàn thế giới, chuyến thăm lần này của Nhà vua Nhật Bản không nằm ngoài phạm vi mà tôi vừa đề cập, đó là làm thế nào để thế giới hòa bình, thịnh vượng, con người được sống hạnh phúc.

- Tại sao đến tận bây giờ Nhà vua và Hoàng hậu mới đến thăm Việt Nam, sau khi đã thăm rất nhiều nước khác?

- Đây là chuyến thăm đặc biệt và chúng ta hết sức may mắn vì Nhật Hoàng ngày càng già đi, sức khỏe có dấu hiệu giảm sút, cả Nhà vua và Hoàng hậu năm nay đã ngoài 80 tuổi, nên rất khó thực hiện những chuyến công du nước ngoài với mật độ thường xuyên.

Trên thực tế, các lãnh đạo nhà nước của nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi lời mời đến Hoàng gia Nhật Bản để thực hiện những chuyến thăm cấp Nhà nước như thế này. Theo thông lệ quốc tế, sẽ có lời mời đi, lời mời lại. Do vậy, không có lý do gì đặc biệt vì sao đến bây giờ Nhà vua và Hoàng hậu mới sang thăm Việt Nam.

Hoàng gia Nhật Bản đã hai lần nhận được lời mời sang thăm chính thức Việt Nam. Tuy nhiên với lịch quay vòng và những lời mời như tôi vừa giải thích, thì bây giờ Nhà vua và Hoàng hậu mới có thể sang thăm chính thức đất nước các bạn.

- Ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt - Nhật và tương lai của mối quan hệ này?

- Tôi xin được nhắc lại, trong cuộc hội kiến của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, Nhà vua đánh giá rất cao sự đón tiếp trọng thị và hiếu khách của Việt Nam với phái đoàn. Theo chia sẻ của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là một dấu son lịch sử trong quan hệ hai nước.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng thế hệ tương lai của hai nước có thể thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị này, trên cơ sở những gì đã có, và đặc biệt là qua chuyến thăm lần này của Hoàng gia Nhật Bản.

Trong chuyến thăm, Nhà vua và Hoàng hậu không chỉ tiếp xúc với các cơ quan chính phủ mà còn có những buổi làm việc với nhiều nhóm khác nhau, như người dân, sinh viên Việt Nam.

- Quan hệ Việt - Nhật phát triển mạnh ở mặt kinh tế, vậy còn những lĩnh vực khác thì sao, thưa ông?

- Cách đây 400 năm, hai nước đã có hoạt động giao thương nhộn nhịp ở Hội An, nơi có đến 1.000 người Nhật sinh sống. Đó là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp Việt - Nhật. Năm 2017, chúng tôi gọi là năm biểu tượng cho mối quan hệ giữa hai nước, với nhiều sự kiện quan trọng.

Vừa rồi tôi có đọc một tờ báo tiếng Anh ở Việt Nam liên quan đến triển lãm về gốm sứ ở Huế, được tổ chức nhân chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Tất cả đều là sản phẩm gốm sứ của Nhật Bản được đưa sang Việt Nam để trao đổi với những hàng hóa của Việt Nam như lụa chẳng hạn.

Lịch sử giữa Việt Nam và Nhật Bản có những giai đoạn thăng trầm, có những mảng sáng và mảng tối, nhưng may mắn là sau Thế chiến 2 và sau cuộc chiến tranh Việt Nam, hai bên đã bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ lên một giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn nữa. Chúng tôi có thể tự tin để nói rằng cả hai quốc gia có một tương lai hết sức rộng mở cho hợp tác. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều từ quá khứ và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Nhật Bản đã cam kết sẽ hỗ trợ cho Việt Nam sáu tàu tuần tra đóng mới cho lực lượng cảnh sát biển, trong đó hai chiếc sẽ được bàn giao trong thời gian tới. Đây là hành động để thể hiện nguyên tắc tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc đẩy an ninh thế giới và khu vực. Các tàu này được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện thực tế để phù hợp với hoạt động của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Các cơ quan chính phủ của Nhật Bản thường xuyên trao đổi với các đối tác của Việt Nam nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn và hợp lý nhất, tài trợ gì, trong lĩnh vực cụ thể gì, để cùng phát triển hai nền kinh tế. Vì rõ ràng, sự phát triển của Việt Nam sẽ kéo theo sự phát triển và phồn vinh của Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.

- Tại sao Nhà vua và Hoàng hậu chọn Huế là địa danh thứ hai sau Hà Nội trong chuyến thăm lần này, thưa ông?

- Trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm, tôi cũng đã trao đổi riêng với Nhà vua và Hoàng hậu. Ngài thể hiện mong muốn đến thăm Huế, cố đô của Việt Nam. Du khách nước ngoài khi đến Nhật thường đến hai địa danh là thủ đô Tokyo hiện đại và cố đô Kyoto. Tương tự với Việt Nam, Nhà vua và Hoàng hậu không chỉ muốn thăm thủ đô Hà Nội mà còn muốn đến cố đô Huế để tìm hiểu thêm giá trị lịch sử văn hóa mà tôi được biết vẫn còn được bảo tồn rất tốt đến ngày nay.

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản cũng đã có những nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Chính vì vậy, với chuyến thăm lần này, dù eo hẹp về mặt thời gian và điều kiện sức khỏe, nên chúng tôi phải chọn lựa rất kỹ những địa danh mà Nhà vua và Hoàng hậu có thể đến thăm.

- Xin cảm ơn ông!

Vân Anh (ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/thong-diep-dac-biet-nha-vua-va-hoang-hau-nhat-ban-mang-toi-viet-nam-642778.bld