Thời trang ngoại 'áp đảo' thị trường tiêu dùng Việt?

Sau Zara, hàng thời trang trong nước tiếp tục chứng kiến sự 'xâm lấn' của thương hiệu ngoại nhập khác là Hennes & Mauritz AB (H&M). Điều khiến giới phân tích quan tâm hiện nay là việc đông đảo người dùng trong nước 'hết lòng' ủng hộ các thương hiệu ngoại.

Ngày khai trương cửa hàng của H&M thu hút sự quan tâm của những khách hàng trẻ tuổi. (Ảnh: Đức Hùng).

Ngày 9/9, cửa hàng thời trang H&M đầu tiên chính thức mở cửa tại TP.HCM, đưa Việt Nam trở thành thị trường thứ 68 của H&M trên toàn cầu và là thị trường thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Cơn sốt H&M bắt đầu nóng lên khi có đến hàng ngàn người và nhất là tín đồ thời trang trẻ xếp thành hàng dài đội nắng từ sáng sớm đến tận trưa để trở thành những vị khách đầu tiên vào cửa. Và cụ thể, đã có đến 4.000 khách hàng đến tham quan mua sắm trong buổi sáng khai trương và 10.000 lượt người (tính hết 21h đêm cùng ngày).

H&M đang tạo nên cơn sốt trên thị trường thời trang trong nước. Ảnh: Đức Hùng

H&M cho biết mục tiêu của hãng là hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, với các mức giá đa dạng và không quá đắt (trong khoảng 100.000-2.000.000 đồng). Hơn nữa, các mẫu sản phẩm tại đây còn tạo ra sự thu hút đặc biệt với mẫu mã mới, lạ, hấp dẫn, mang tính cập nhật. Và đây cũng chính là điểm thu hút nổi bật đối với khách hàng trẻ tuổi.

Trước khi H&M gia nhập thị trường trong nước, một thương hiệu thời trang nổi tiếng đến từ xứ sở bò tót là Zara cũng từng làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam vào tháng 9/2016. Không những thế, cơn sốt Zara còn kéo dài liên tục từ ngày khai trương đến những tháng gần đây mới có dấu hiệu lắng nhẹ.

Cơn sốt Zara.

Thực tế, những gì mà Zara Việt Nam thể hiện tại cửa hàng đầu tiên của mình ở Vincom sau 1 năm đã chứng tỏ sức hút đáng kinh ngạc của trường phái kinh doanh fast - fashion (thời trang nhanh) và không ít người tiêu dùng cũng trông chờ H&M sẽ làm nên chuyện giống như Zara đã từng làm cách đây một năm.

Không những thế, làn sóng thời trang ngoại tại thị trường trong nước không chỉ dừng lại với các con số hiện tại, khi mà các chuyên gia kinh tế, nhà phân tích thị trường bán lẻ hay hàng thời trang đều tin tưởng vào xu hướng mở rộng của các thương hiệu thời trang ngoại trong phạm vi cả nước.

Thương hiệu Forever 21 danh tiếng hé lộ khả năng lấn vào thị trường khiến nhiều doanh nghiệp Việt càng lo sợ.

Và chiến lược đó cũng đang được hướng tới khi mà ông Fredrik Famm, Giám đốc Điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, khẳng định việc đang tìm kiếm rất nhiều địa điểm khác nhau để mở một số lượng lớn cửa hàng trong 2 năm tiếp theo cũng như không giấu tham vọng việc H&M muốn trở thành điểm đến thời trang số 1 ở Việt Nam trong vài năm tới…

Theo chuyên gia phân tích thị trường bán lẻ Phạm Thái Bình, Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, bất kể nền kinh tế đang cộng hay trừ. Sau Zara, các “anh em” nhà Inditex như Stradivarius, Pull&Bear, Massimo Dutti cũng lần lượt thâm nhập thị trường Việt Nam, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng.

Uniqlo sắp vào Việt Nam.

Ông Bình phân tích thêm: “Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế, với những thay đổi sâu sắc trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Cách đây khoảng 4-5 năm, các khảo sát từ nhiều đơn vị uy tín quốc tế đã nhận định rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam cần 1 thập kỷ để phát triển. Nhưng đến nay, nhiều chuyên gia đã thật sự bất ngờ với những gì họ đang chứng kiến. Bước đột phá đầy ấn tượng của thị trường xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân bị dồn nén, và sự thỏa mãn nhỏ giọt từ hàng xách tay. Minh chứng cho điều này chính là doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng và thứ bậc trên cũng tạo thêm động lực mạnh mẽ cho các nhà mốt khác như Uniqlo, Forever21… gia nhập thị trường Việt”.

Theo nhận định định chung từ giới phân tích, thị trường thời trang fast - fashion với đặc điểm giá cả hợp lý đang dần tạo nên sự thu hút nhất định đối với người tiêu dùng Việt và chắc chắn trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là nơi thu hút các ông lớn của ngành hàng thời trang trên thế giới tạo nên môi trường cạnh tranh, đa dạng, tràn đầy sinh lực.

Và dĩ nhiên, khi các ông lớn thế giới vào Việt Nam, nghĩa là các nhãn hàng nội địa đang đứng trên “bờ vực” của sự khó khăn.

Đức Hùng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/thoi-trang-ngoai-ap-dao-thi-truong-tieu-dung-viet-d61648.html