Thói quen của nhiều cha mẹ khiến con yếu ớt, kém thông minh, thậm chí có thể tử vong

Nhiều người có xu hướng cho con ăn một bữa thật no bất kì lúc nào có thể. Trên thực tế, thói quen này của cha mẹ sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Cha mẹ nào cũng muốn con mình to khỏe, bụ bẫm. Vì thế, trẻ thường bị ép ăn thật nhiều. Nếu trẻ lười ăn, thấp còi hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi thì cha mẹ lại càng lo lắng, sốt sắng khoản ăn uống của con. Nhiều người nghĩ rằng trẻ nghịch ngợm, chạy nhảy nhiều sẽ tốn nhiều năng lượng, đói sớm và có xu hướng cho con ăn một bữa thật no bất kì lúc nào có thể.

Trên thực tế, thói quen này của cha mẹ sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Tử vong vì ăn quá nhiều

Ở Trung Quốc đã có trường hợp trẻ tử vong do thói quen ép trẻ ăn quá no, ăn cho hết suất của người lớn. Sự việc dù xảy ra hồi đầu năm 2016 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo trong việc nuôi dạy trẻ với cô giáo nhà trẻ cũng như các bậc phụ huynh.

Theo trang tin Daliulian, cậu bé 5 tuổi tên Tiểu Vạn được mẹ cho ăn sáng một bát cháo thịt gà và một ly sữa trước khi đến lớp mẫu giáo. Vào giờ ăn trưa ở lớp học, cô giáo Lâm nói với bé rằng không nên lãng phí thực phẩm, nhất định phải ăn hết thức ăn. Tiểu Vạn là một cậu bé biết nghe lời, cô giáo nói sao thì bé làm như vậy nên đã ăn hết cơm.

12h10 là thời gian cả lớp ngủ trưa. Tuy nhiên, cậu bé Vạn nói với giáo viên của mình rằng em không thể ngủ được vì cảm thấy đầy bụng, khó tiêu. Cô giáo em lại khuyên rằng trẻ em phải đi ngủ trưa nếu không sẽ không lớn được nên cậu bé đành nằm yên và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Hãy để trẻ ăn theo nhu cầu thay vì cứ ép con ăn quá nhiều.

Vào lúc 14h30 phút, khi hầu hết các em trong lớp đã thức dậy sau giờ ngủ trưa, Tiểu Vạn vẫn nằm ngủ tại chỗ. Vì nghĩ em ngủ muộn hơn so với các bạn khác nên giáo viên không đánh thức. 20 phút sau vẫn chưa thấy Tiểu Vạn tỉnh dậy, giáo viên liền gọi cậu bé nhưng không thấy em trả lời.

Khi bước đến gần, giáo viên hoảng hốt khi thấy cậu bé đã ngừng thở, môi, miệng và mũi đều chuyển sang màu đen. Sau đó, hai giáo viên đã đưa Tiểu Vạn đến bệnh viện. Tuy nhiên, Tiểu Vạn đã không qua khỏi vì đến quá trễ.

Theo lý giải của đội ngũ bác sỹ thì nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của Tiểu Vạn là do ăn trưa quá no rồi đi ngủ luôn gây ra tình trạng thức ăn nghẹn lại ở khí quản và dẫn đến tử vong.

Sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ và người lớn trong xã hội về việc cho trẻ ăn uống đúng cách, tránh để trẻ gặp nguy hiểm vì những thói quen sai lầm của cha mẹ.

Tác hại của việc ép trẻ ăn quá no

Thực tế cho thấy, việc để trẻ ăn quá no rất có hại đến thể chất và tâm lý của trẻ về lâu dài. Khi ăn no, phần lớn lượng máu trong cơ thể chuyển đến đường ruột, máu để cung cấp cho đại não bị thiếu hụt, về lâu dài não sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, các phần não liên quan đến ăn uống luôn trong tình trạng hưng phấn trong khi các khu vực khác bị ức chế, điều này khiến đại não sớm lão hóa và suy yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến trí thông minh của trẻ. Những trẻ thường xuyên ăn no thường kém thông minh, nhanh nhẹn so với trẻ ăn ít hoặc ăn đủ no.

Việc ăn uống quá nhiều còn gây cho trẻ những hậu quả sau:

- Trí lực ngày càng kém: Việc ăn quá nhiều khiến các phần não liên quan đến ăn uống thường xuyên hưng phấn, các khu vực khác lại bị ức chế. Điều này khiến đạo não sớm suy yếu, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển tài năng.

- Táo bón mãn tính: Những trẻ ăn quá nhiều thường sử dụng các thực phẩm giàu chất bổ nhưng thiếu chất xơ.

- Béo phì: Béo phì là nguyên nhân đầu tiên của các bệnh về tim mạch (như mỡ máu). Bệnh này còn khiến trẻ bị trì độn, giảm khả năng hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Trẻ ăn quá no sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Trẻ vừa ăn xong không nên làm gì?

- Không được ngủ ngay: Nếu trót để bé ăn no, cha mẹ không nên ép bé đi ngủ ngay, đặc biệt là bữa trưa và bữa tối. Nên để trẻ nghỉ ngơi, thư giãn hoặc gia đình cùng ngồi trò chuyện hoặc hãy để trẻ thức để 'xuôi cơm' trước khi bước vào giấc ngủ. Trẻ ăn quá no thường có biểu hiện khó chịu do đầy bụng nên cũng khó ngủ ngon giấc, vì vậy, không nên ép trẻ ngủ ngay sau bữa ăn.

Đặc biệt là buổi tối, sau khi cho con ăn hay uống, cha mẹ nên để trẻ thức, hoạt động ít nhất 2 giờ để thức ăn kịp tiêu hóa hết trong dạ dày. Trường hợp cho các cháu ăn trứng, thịt, các đồ uống như sữa, nước ngọt, cần có thời gian lâu hơn, tránh hiện tượng trào ngược gây ho không đáng có cho trẻ.

- Không cho trẻ tham gia các hoạt động mạnh: Sau bữa ăn, người lớn cần yêu cầu trẻ ngồi ngoan, có thể chơi các trò chơi nhẹ nhàng, tránh việc chạy nhảy, nô đùa vì sẽ 'xóc bụng' gây đầy hơi, khó chịu hoặc nôn trớ.

- Với trẻ sơ sinh, nếu được mẹ cho bú no hoặc ăn bột no, mẹ nên thực hiện biện pháp ợ hơi cho con, giúp bé thoải mái và tránh tình trạng nôn trớ, trào ngược dạ dày sau ăn.

Khánh Linh (TH)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/me-va-be/thoi-quen-cua-nhieu-cha-me-khien-con-yeu-ot-kem-thong-minh-tham-chi-co-the-tu-vong-84268/