Thời đại Donald Trump: Giới thời trang quay lưng với Nhà Trắng

Mối quan hệ vốn khăng khít giữa Washington với giới thời trang có nguy cơ bị đổ vỡ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Giây phút ứng cử viên (ƯCV) Tổng thống Đảng Dân chủ, Hillary Clinton trong bộ vest xám của Ralph Lauren, đọc diễn văn chấp nhận thua cuộc trong cuộc Bầu cử Mỹ 2016 - được đánh giá là “thời điểm chấm dứt sự xuất hiện của giới thời trang tại bàn tròn chính trị” nước Mỹ.

Từ mối quan hệ khăng khít…

Cuộc tranh cử Tổng thống (TT) năm nay đã chứng kiến sự ủng hộ nhiệt thành từ giới thời trang với cựu Ngoại trưởng Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử thành lập của mình, tạp chí thời trang Vogue đã chính thức bày tỏ cam kết của mình với bà Hillary Clinton. Chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ, nhà thiết kế Diane von Furstenberg trực tiếp gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của bà Hilary Clinton. Các thương hiệu Tory Burch, Marc Jacobs và Prabal Gurung… thiết kế sản phẩm mang nhãn hiệu “Made for History” (Tạo ra vì lịch sử) cho chiến dịch của ƯCV Đảng Dân chủ. Ralph Lauren góp phần xây dựng hình ảnh một Hillary Clinton năng động, quả quyết nhưng không kém phần thời thượng trong suốt thời gian vận động tranh cử…

Gia đình ông Trump vào thời khắc tuyên bố thắng cử.

Theo nhiều chuyên gia, sự “qua lại” giữa Washington với giới thời trang được bắt nguồn từ một bức hình của bà Hilary Clinton trên bìa Vogue vào năm 1998 - cũng là lần đầu tiên một đệ nhất phu nhân xuất hiện trên tạp chí thời trang này. Mối quan hệ được tiếp tục phát triển trong 8 năm tại vị của TT Obama với việc bà Michell Obama được ca ngợi như một biểu tượng thời trang mới của thế giới. Phong cách của bà Obama là sự kết hợp nhuần nhuyễn và ấn tượng giữa những trang phục đến từ các thương hiệu bình dân như J.Crew, Target…, các nhà thiết kế trẻ như Jason Wu, Christian Siriano cho đến các thương hiệu cao cấp như Michael Kors, Vera Wang… Đệ nhất phu nhân nước Mỹ cũng từng xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue vào tháng 3/2009, 4/2013 và mới đây nhất là tháng 12/2016.

Joseph Altuzarra, một trong những nhà thiết kế ưa thích của bà Obama cho biết, phu nhân của TT Obama biết cách sử dụng thời trang để “biểu đạt ý tưởng”. Đối với bà, trang phục là một tập hợp những giá trị Mỹ, như sự đa dạng, tính sáng tạo, tính kinh doanh. Bà Hilary Clinton dường như cũng tiếp nối xu hướng này. Nhưng những người chủ mới của Nhà Trắng, gia đình tỉ phú Donald Trump có vẻ sẽ không như vậy.

Cho đến những lo lắng dưới “triều đại” mới

Giới thời trang cho rằng, tân TT “đối với thời trang, sẽ có một cách nhìn khác hơn nhiều” so với những gì mà ngành công nghiệp này mong đợi từ Washington.

Trong đêm bầu cử, vợ của ông Trump, bà Melania Trump đã mặc một bộ jumpsuit (áo liền quần - BT) màu trắng của thương hiệu Ralph Lauren; mà theo đại diện của hãng, bà Trump đã tự mua bộ trang phục này ngoài cửa hàng, chứ không phải trực tiếp đặt may từ nhà thiết kế. Thực tế là, tất cả quần áo được tân Đệ nhất phu nhân diện trong suốt chiến dịch tranh cử của chồng, dường như đều đến từ những chuyến shopping, thay vì theo một chiến lược nhất định. Điều này một mặt khiến bà chủ Nhà Trắng trở nên “hòa đồng” hơn (như mọi người phụ nữ khác, bà ấy cũng mua sắm); mặt khác phản ánh sự xa cách của bà với ngành thời trang nước nhà.

Tân Tổng thống Donald Trump và chiếc cà vạt đỏ được cho là sản xuất tại Trung Quốc.

Trong khi khoác lên mình quần áo của Ralph Lauren, một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu của nước Mỹ, bà Trump đồng thời cũng mặc những thiết kế đắt tiền của các thương hiệu nước ngoài như Gucci và Fendi (Italy), Roksanda Ilincic và Emilia Wickstead (Anh)… Thậm chí, khi đi bỏ phiếu vào ngày 8.11 vừa qua, cựu người mẫu cũng mặc một chiếc áo khoác đến từ thương hiệu cao cấp Balmain của Pháp.

Không chỉ bà Melania, tủ quần áo của các thành viên còn lại trong đại gia đình Trump, dường như cũng không phải là những hình tượng mẫu mực cho tinh thần “Made in America” (sản xuất tại Mỹ) - một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất mà tân TT Mỹ muốn truyền tải trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.

Bản thân ông Trump luôn là một fan trung thành với những bộ comple của nhà mẫu cao cấp Brioni của Italy và những chiếc cà vạt màu đỏ gắn mác “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) đến từ một trong những thương hiệu mà chính ông sở hữu. Cô con gái nổi tiếng Ivanka của ông cũng diện những thiết kế mới nhất của một loạt các hãng thời trang quốc tế nổi tiếng nhất nhì thế giới…

Theo Marcus Wainwright, giám đốc điều hành của thương hiệu Rag&Bone, thông điệp thống nhất mà phong cách thời trang của gia đình Trump đem tới, có lẽ chính là làm sao để trông “thật giàu có”.

Chiến thắng bất ngờ của ông Trump thực sự đã đẩy ngành công nghiệp thời trang Mỹ vào một trạng thái bất ổn. “Điều đó làm chúng tôi nhận ra rằng, mình thật bất lực”, Tổng biên tập của W, Stefano Tonchi nói.

Nhà thiết kế Dao-Yi Chow của DKNY viết trên Instagram: “Cám ơn nước Mỹ… vì đã giúp tôi nhận ra rằng còn rất nhiều việc phải làm và giáo dục con cái mình để chúng không bị ru ngủ như tôi đã từng trải qua”.

Bà Hillary Clinton mặc bộ vest Ralph Lauren đọc diễn văn chấp nhận thua cuộc.

Đại diện của Ralph Lauren và Alexander McQueen, một mặt thừa nhận rằng các thành viên của gia đình Trump từng mặc trang phục của họ, mặt khác lại không công khai với báo chí, “khoe khoang” về vấn đề này như trong những trường hợp trước đây.

Mặc dù vậy, theo nhà thiết kế Diane von Furstenberg, sau khi chính thức nhậm chức, thái độ của ông Trump sẽ thay đổi. Bà cho rằng, giới thời trang nên “làm những gì có thể” để chấp nhận một kết quả dân chủ và hợp tác với TT mới. Mặc dù không quá tin tưởng, nhưng Giám đốc điều hành Wainright cũng chia sẻ ý kiến này khi cho rằng, tân TT sẽ sử dụng thời trang để thể hiện sự cam kết phục hưng ngành dệt may nội địa.

Lễ nhậm chức, nhà Trump sẽ mặc gì?

Thử nghiệm đầu tiên trong mối quan hệ hợp tác (nếu có thể) giữa hai bên chính là lễ nhậm chức - một trong những sự kiện được cả thế giới dõi theo - mà trong đó, những thông điệp quan trọng có thể được gửi gắm qua trang phục của các nhân vật chính.

Mối quan tâm hiện nay của giới thời trang là các thành viên nhà Trump sẽ lựa chọn mặc gì cho lễ nhậm chức sắp tới.

Trong khi Sophie Theallet, nhà thiết kế chính của bà Michelle Obama trong 8 năm qua, gửi một “tâm thư” trên Internet, tuyên bố mình sẽ không dính dáng đến tân Đệ nhất phu nhân, đồng thời kêu gọi các đồng nghiệp đưa ra quyết định tương tự; những nhà thiết kế khác lại tỏ ra thận trọng hơn. Altuzarra cho biết anh “không muốn từ chối thiết kế trang phục cho những người mình không ủng hộ”. Wainwright đồng tình: “Sẽ là đạo đức giả nếu bỏ qua lời mời đảm nhận trang phục cho người nhà Trump. Nếu chúng ta quan tâm đến sự thống nhất và đều muốn ngành sản xuất của nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa, chúng ta phải đặt mục tiêu đó lên trước niềm tin chính trị cá nhân”.

LAN PHƯƠNG (Tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thoi-dai-donald-trump-gioi-thoi-trang-quay-lung-voi-nha-trang-614659.bld