Thoát nỗi lo liệt sau phẫu thuật thần kinh, cột sống

Ngày 28/11, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Mỹ, Malaysia, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình đã tiếp nhận chuyển giao và đưa vào sử dụng Hệ thống theo dõi thần kinh (Nerve Monitoring System - NVM5) trong phẫu thuật cột sống.

Báo Sức khỏe&Đời sống là đơn vị độc quyền truyền hình trực tuyến ca phẫu thuật cột sống đầu tiên mà bệnh nhân không lo bị liệt này.

Tại buổi chuyển giao, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho 2 bệnh nhân có tiền sử bệnh về cột sống nhiều năm nay. Cả 2 cuộc phẫu thuật đều do PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình - BV Đại học Y Hà Nội trực tiếp thực hiện.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Nguyễn Hữu Bình, 53 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội. Đây là một trường hợp khá phức tạp do bệnh nhân đã từng mổ cột sống 4 lần. Lần thứ nhất vào năm 2001 mổ thoát vị cột sống thắt lưng. Lần thứ hai vào năm 2002 cũng mổ cột sống thắt lưng do lần mổ đầu tiên không thành công. Lần thứ ba là vào tháng 1/2016, bệnh nhân mổ hẹp ống sống cổ qua đường cổ trước nhưng không hiệu quả, sau mổ bệnh nhân đau hơn trước. Lần thứ tư vào tháng 8/2016, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân tiếp tục được mổ cột sống cổ lối sau do hẹp ống sống cổ. Ca mổ do PGS.TS. Kiều Đình Hùng thực hiện. Hiện tại cột sống cổ của bệnh nhân hồi phục tốt, nhưng đau cột sống thắt lưng do mất vững cột sống và xẹp đĩa đệm chèn ép thần kinh khiến bệnh nhân đi lại khó khăn.

Theo PGS.TS. Kiều Đình Hùng, với những bệnh nhân mổ lại cột sống rất khó khăn do viêm dính, các mốc giải phẫu thay đổi nên rất dễ tổn thương thần kinh, do vậy có máy cảnh báo thần kinh là rất cần thiết. Ca phẫu thuật cho bệnh nhân Bình được tiến hành trong hơn 2 giờ đồng hồ đã hoàn thành tốt đẹp. Bệnh nhân có thể ra viện sau khoảng 4-5 ngày. Trong quá trình phẫu thuật, thiết bị cảnh báo liên tục mỗi khi phẫu thuật viên sắp chạm vào rễ thần kinh. Khi phẫu thuật viên bắt vít, đưa dụng cụ đến đâu thì máy báo đến đấy để biết phẫu thuật viên biết mình đang ở trong vùng an toàn hay không.

Chi phí cho ca mổ này về dụng cụ cố định cột sống (thay 2 đĩa đệm, nẹp 6 vít) được bảo hiểm y tế chi trả một phần, còn lại các dụng cụ dùng cho máy cảnh báo thần kinh (với 16 điện cực dùng một lần trong ca mổ này) do hãng thiết bị tài trợ. Tuy nhiên với những ca mổ sau này có sử dụng máy cảnh báo thần kinh thì bệnh nhân sẽ phải chi trả tiền điện cực, ước tính khoảng 15-20 triệu đồng, do đây là kỹ thuật cao mới được đưa vào sử dụng lần đầu chưa có trong danh mục BHYT chi trả.

Trường hợp thứ hai là bà Nguyễn Thị Mai, 82 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội, có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường điều trị nhiều năm, đau cột sống thắt lưng lan 2 chân nhiều năm nay, gần đây đau tăng lên, bên phải nhiều hơn bên trái. Bệnh nhân đi bộ chỉ được tối đa 10-20m, đi vẹo người theo tư thế chống đau. Khám thấy chèn ép rễ thần kinh L5 2 bên, hình ảnh trên phim chụp cộng hưởng từ cho kết quả hẹp ống sống L4L5, mất vững cột sống. Đo mật độ xương có loãng xương với T-Score -3,1. Anh Nguyễn Ngọc Hưng, 36 tuổi, con trai bệnh nhân Mai, cho biết, bệnh nhân bị đau cột sống 6 năm nay, 2 năm trước mới đi khám ở Bệnh viện E và có chỉ định mổ. Tuy nhiên, bệnh nhân không dám mổ vì bà tuổi cao, cộng thêm mắc nhiều bệnh mạn tính. Sau gần 2 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã tiến hành loại bỏ đĩa đệm cho bệnh nhân, bơm xi, bắt 4 vít ở 2 vị trí.

Theo PGS.TS. Hùng, trong phẫu thuật ngoại thần kinh và cột sống, các bác sĩ cần đặc biệt lưu tâm tới việc giảm thiểu tối đa sự tổn thương rễ thần kinh, tránh liệt cho bệnh nhân sau mổ. Vì vậy, việc triển khai Hệ thống theo dõi thần kinh trong phẫu thuật cột sống chính là giải pháp đem lại sự an toàn và hiệu quả tích cực trong phẫu thuật cột sống cho người bệnh.

TS. Chor Ngee Tan - chuyên gia phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Putrajaya (Malaysia) cho biết, NVM5 cung cấp 1 giải pháp theo dõi thần kinh có kiểm soát, theo dõi theo thời gian thực, giúp phẫu thuật đạt kết quả tốt nhất. Máy này đã ứng dụng trên 300.000 ca trên toàn thế giới. Kỹ thuật trong phẫu thuật dùng NVM5 là: Kích thích thần kinh, dòng tín hiệu di chuyển. Kỹ thuật đo điện thế gợi vận động sẽ ghi lại. EMG khi kích thích cơ học tại vị trí dây thần kinh sẽ có những đáp ứng, sóng tổng hợp của sợi vận động. Sóng điện cơ biểu hiện trên máy bằng tín hiệu kèm theo âm thanh. Theo dõi này liên tục trong suốt quá trình mổ. Ngoài cung cấp hình ảnh còn cung cấp cả âm thanh nên phẫu thuật viên không phải nhìn màn hình mà chỉ cần nghe cũng có thể nhận biết. Nói cách khác, hệ thống này có tác dụng cảnh báo cho các bác sĩ phẫu thuật tránh được các dây thần kinh, không làm tổn thương nó trong quá trình phẫu thuật, tránh liệt cho bệnh nhân sau mổ. So với các máy theo dõi khác, NVM5 có ưu điểm hơn, vì các máy theo dõi chức năng thần kinh khác sau khi kích thích cần có thời gian mới báo kết quả, hệ thống NVM5 chỉ mất khoảng 0,18 giây sẽ đưa ra kết quả, ngưỡng an toàn với khu vực phẫu thuật.

Thiết bị được sử dụng rộng rãi trong nhiều chỉ định như phẫu thuật cột sống lưng (qua lối trước, lối sau và lối bên), phẫu thuật cột sống cổ (lối trước, lối sau), thay đĩa đệm,... Đây là một giải pháp hiện đại, tiên tiến, hiện đang triển khai và chỉ định rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực như: Mỹ, Đức, Italia, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore... Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng Hệ thống theo dõi thần kinh trong phẫu thuật cột sống.

Theo PGS.TS. Kiều Đình Hùng, các bệnh lý cột sống hiện nay ngày một phổ biến, bệnh thường gặp ở những bệnh nhân thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, gù vẹo... hay chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Mỗi ngày tại BV có khoảng 20 bệnh nhân cột sống đến khám, trong đó có khoảng 3-4 bệnh nhân có chỉ định mổ.

Chẩn đoán các bệnh lý cột sống không khó nhờ các dấu hiệu lâm sàng, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ. Tuy nhiên điều trị các bệnh cột sống rất phức tạp đòi hỏi phải khám các bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh hoặc Phẫu thuật cột sống dựa vào dấu hiệu lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thể trạng bệnh nhân, tuổi, các bệnh lý phối hợp mà chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh. Phần lớn các bệnh cột sống điều trị bằng nội khoa như vật lý trị liệu, kéo dãn cột sống, châm cứu…

Theo thống kê của các nước phát triển có khoảng 20-30% các bệnh cột sống cần phẫu thuật, tỷ lệ bệnh nhân phẫu thuật cột sống ngày càng tăng lên và phẫu thuật ngày càng an toàn hơn nhờ tiến bộ của khoa học, đặc biệt của các trang thiết bị. Tỉ lệ thành công đối với các ca mổ cột sống theo phương pháp truyền thống trước đây là khoảng 90-95%. Biến chứng thần kinh sau mổ cột sống không nhiều nhưng hậu quả rất nặng nề, gây liệt ít nhất là một nhóm cơ, rễ thần kinh, nặng hơn là liệt cả 2 chi, thậm chí cả 4 chi, do đó bệnh nhân thường có tâm lý lo ngại khi có chỉ định mổ. Chính vì lo sợ bị liệt nên đa phần người bệnh đến viện quá muộn như bị liệt, bị tổn thương thần kinh quá nặng nên sau khi phẫu thuật hồi phục không được như mong muốn, trong khi đó các bác sĩ khuyến cáo cần phẫu thuật sớm khi có chỉ định thì mới có được kết quả tốt.

Hải Yến - Hạ Hiền - Duy Linh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thoat-noi-lo-liet-sau-phau-thuat-than-kinh-cot-song-n125372.html