Thỏa thuận về nghiên cứu tác động của đập thủy điện Đại Phục hưng

Theo thỏa thuận đạt được, hai hãng tư vấn của Anh và Pháp sẽ nghiên cứu các tác động môi trường cũng như kinh tế-xã hội của đập thủy điện Đại Phục Hưng được xây dựng trên nhánh Nile Xanh.

Công trường xây dựng đập thủy điện Đại phục hưng. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 20/9, trong khuôn khổ phiên họp Ủy ban Quốc gia ba bên lần thứ 12 diễn ra tại Khartoum, Ai Cập, Ethiopia và chủ nhà Sudan đã ký các thỏa thuận cuối cùng về nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của dự án đập thủy điện Đại Phục hưng mà Ethiopia đang xây dựng trên thượng nguồn sông Nile đối với các quốc gia ở hạ nguồn.

Theo thỏa thuận đạt được, hai hãng tư vấn BRL và Artelia của Pháp cùng với công ty luật Corbett&Co của Anh sẽ chính thức tiến hành các nghiên cứu kéo dài trong 11 tháng về các tác động môi trường cũng như kinh tế-xã hội của đập thủy điện Đại Phục Hưng được xây dựng trên nhánh Nile Xanh, một trong hai nhánh chính của sông Nile.

Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập Mohamed Abdel Aty đánh giá thỏa thuận trên là "dấu mốc lịch sử," đồng thời nhấn mạnh Cairo sẽ hợp tác với Sudan và Ethiopia để giải quyết các bất đồng nhằm bảo vệ lợi ích của các nước ở hạ nguồn.

Căng thẳng giữa Ethiopia với Ai Cập và Sudan bắt đầu gia tăng khi Addis Ababa khởi công dự án thủy điện Đại Phục Hưng trên nhánh Nile Xanh vào năm 2011.

Đây được đánh giá là đập thủy điện lớn nhất châu Phi với dung lượng hồ chứa lên tới 74 tỷ m3, công suất 6.000MW và tổng kinh phí xây dựng là 4,2 tỷ USD.

Giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017.

Chính phủ Ethiopia coi dự án là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện.

Hiện, đập thủy điện Đại Phục hưng đã được hoàn thành 70%.

Khi Ethiopia bắt đầu chuyển dòng Nile Xanh để xây đập vào tháng 5/2015, nước này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia ở hạ nguồn, trong đó có Ai Cập, do lo ngại đập Đại Phục hưng sẽ làm giảm nguồn nước và tác động tiêu cực đến môi trường.

Dự kiến, đập Đại Phục hưng sau khi hoàn thành sẽ cần 30 tỷ m3 nước mỗi năm và điều này được cho là sẽ làm hồ Nasser của Ai Cập khô cạn, khiến hoạt động cấp điện từ đập thủy điện Aswan của Ai Cập bị ngưng trệ.

Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập, quốc gia có tới hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc, khi cung cấp khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm, đáp ứng 95% nhu cầu nước của hơn 91 triệu dân./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thoa-thuan-ve-nghien-cuu-tac-dong-cua-dap-thuy-dien-dai-phuc-hung/407102.vnp