Thỏa thuận hạt nhân Iran trên bờ vực phá sản

GD&TĐ - Ngày 19/4, Ria-Novosti trích lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: “Thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Iran thất bại vì không đạt được mục đích”. Đây là kết quả của cuộc rà soát tổng thể theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump. Theo các nhà phân tích, trong thời gian tới, chính sách cấm vận của Mỹ đối với Iran sẽ thắt chặt hơn.

Washington thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Iran

Kế hoạch hành động toàn diện (theo tinh thần thỏa thuận hạt nhân với Iran - ND) không đạt được mục đích - phi hạt nhân hóa ở Iran mà chỉ trì hoãn khả năng trở thành cường quốc hạt nhân của Iran. Đây là cách tiếp cận thất bại của quá khứ, đưa chúng ta đến thảm họa không thể tránh khỏi như ở Bắc Triều Tiên - Rex Tillerson tuyên bố trong cuộc họp báo gần đây. Theo Ngoại trưởng Rex Tillerson thì đây là sự thất bại của chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với Iran và nhấn mạnh về sự cần thiết phải đáp trả những mối đe dọa từ Iran.

Ngày thứ Tư (19/4), người phát ngôn của Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố: Trong vòng 90 ngày nhà chức trách Mỹ sẽ trình bản kiến nghị với Tổng thống Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo Spicer, ông chủ Nhà Trắng nghi ngờ về tính khả thi của thỏa thuận này.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu kiểm tra quyết định về việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận chống Iran. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, cuộc kiểm tra sẽ được thực hiện bởi một số cơ quan dưới sự lãnh đạo của Hội đồng An ninh quốc gia. Họ sẽ đánh giá lại quyết định của chính quyền Obama trong việc dỡ bỏ từng phần các biện pháp trừng phạt chống lại Iran. Vào tháng 2 năm nay, chính quyền Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một số công ty của Iran bị buộc tội tham gia vào các hoạt động khủng bố, cũng như chống lại những công ty đang tham gia vào việc phát triển và sản xuất các tên lửa đạn đạo. Theo Donald Trump, rất có thể sẽ hủy bỏ quyết định của chính quyền Barack Obama và quay trở lại chế độ cấm vận cũ của Mỹ chống lại Iran.

Và phản ứng của dư luận Mỹ và Iran

Theo Ria-Novosti, Tehran giữ thái độ bình thản trước những động thái mới của chính quyền Donald Trump. Trả lời hãng tin Ria-Novosti, Đại sứ Iran tại Nga Mehdi Sanai cho rằng “quyết định ồn ào” của Donald Trump chỉ là một cách thể hiện của chính quyền mới. Cũng theo lời ông Mehdi Sanai thì “Washington sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân. Mỹ chỉ sử dụng tình hình để tăng áp lực đối với Tehran. Chính sách của Mỹ không có gì mới. Dưới áp lực như vậy từ Mỹ, Iran đã sống trong gần bốn thập kỷ. Tuy nhiên, thỏa thuận Vienna là hết sức cần thiết không chỉ với Nhà Trắng, các thành viên châu Âu tham gia thỏa thuận này khó có thể cho phép Nhà Trắng đơn phương hủy bỏ thỏa thuận một cách dễ dàng như vậy” - ông Mehdi Sanai nhận định.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế và là cựu đại diện thường trực của Iran LHQ Kazem Sadzhapur khẳng định: “Thỏa thuận quốc tế được ký kết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế với sự tham gia của Hội đồng Bảo an LHQ là không thể dễ dàng chỉnh sửa và thay đổi bản chất của thỏa thuận này”.

Nhận định về những động thái mới của chính quyền Donald Trump với thỏa thuận hạt nhân Iran, tờ Foreign Policy viết: “Trump không phá vỡ thỏa thuận Vienna mà chỉ “siết chặt đai ốc” với Iran. Hiệp định về kế hoạch hành động chung không phải là một hợp đồng… Nhà Trắng đang xem xét khả năng có thể đạt được vị thế thuận lợi hơn trong khuôn khổ thỏa thuận này.

Cũng theo Foreign Policy thì Nhà Trắng siết chặt các biện pháp trừng phạt chống Iran là do nghi ngờ nước này tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, một chính sách như vậy có thể là hậu quả phản tác dụng - Foreign Policy cảnh báo. Sự căng thẳng ngày càng tăng trong quan hệ giữa Washington và Tehran có thể khuyến khích Iran rời khỏi thỏa thuận hạt nhân, ngoài ra, nó sẽ làm trầm trọng thêm tình hình ở Trung Đông và có thể tạo ra “cái gai” trong quan hệ giữa các đồng minh châu Âu và Mỹ - Foreign Policy nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/thoa-thuan-hat-nhan-iran-tren-bo-vuc-pha-san-3195210-b.html