Thỏa thuận của OPEC vẫn “chưa đủ”

(HQ Online)- Thỏa thuận lịch sử cắt giảm sản lượng dầu xuống mức 32,5-33 triệu thùng/ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tối 28-9 đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia thành viên. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ chỉ có tác động hạn chế.

Thành viên phái đoàn Algeria thông báo OPEC đạt được thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu.

Sau cuộc họp dài 6 tiếng tại Algiers và trước đó là nhiều tuần đàm phán, OPEC đã thông báo quyết định giảm sản lượng dầu xuống mức 32,5-33 triệu thùng/ngày. Đây là lần giảm sản lượng lớn nhất kể từ sau khi giá dầu lao dốc trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch OPEC Mohamed Salah Assada tuyên bố đây là cuộc họp dài nhưng mang tính lịch sử, đồng thời nhấn mạnh dù thị trường chỉ ra những dấu hiệu tích cực, nhưng OPEC cần phải thúc đẩy tái cân bằng thị trường.

Những cách thức thực hiện thỏa thuận tại Algiers sẽ được bàn luận tại cuộc họp chính thức của OPEC vào tháng 11 tới ở Vienna (Áo). Một ủy ban kỹ thuật cấp cao sẽ được thành lập nhằm xác định cơ chế giảm sản lượng cho mỗi nước. Bên cạnh đó, OPEC cũng sẽ tiến hành đối thoại với các nước ngoài OPEC, nhất là Nga - nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, để tham gia vào những nỗ lực tái cân bằng thị trường. Nga cũng từng bày tỏ ủng hộ “đóng băng” sản lượng. Các nước thành viên OPEC cũng đã nhất trí các trường hợp của Iran, Nigeria và Libya sẽ được xử lý theo cách đặc biệt.

Bộ trưởng Năng lượng nước chủ nhà Algeria, Noureddine Boutarfa đã bày tỏ vui mừng khi OPEC đưa ra được một quyết định lịch sử, với sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên OPEC. Ông Boutarfa cũng nhấn mạnh OPEC đã lấy lại được chức năng giám sát thị trường mà tổ chức này đã đánh mất từ nhiều năm qua.

Trong tuyên bố cuối cùng của cuộc họp, các bộ trưởng OPEC cũng nhấn mạnh những thách thức mà thị trường dầu mỏ thế giới phải đối mặt từ hai năm qua cả về vấn đề cung cấp và giá cả. Thu nhập của các nước xuất khẩu dầu giảm mạnh làm cho tăng trưởng kinh tế rơi vào nguy hiểm. Trên cơ sở những phân tích trên, các nước thành viên OPEC đã quyết định tiến hành đối thoại nghiêm túc và xây dựng với các nước ngoài OPEC nhằm tránh những kết quả tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn.

Thỏa thuận của OPEC ngay lập tức đã đẩy giá dầu trên các sàn giao dịch quốc tế tăng gần 6%, trong bối cảnh các thị trường vốn không trông đợi điều bất ngờ từ hội nghị OPEC ở Algiers. Chốt phiên trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,72 USD (5,9%) lên 48,69 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn hai tuần qua. Trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 2,38 USD (5,3%) lên 47,05 USD/thùng. Trong phiên này, đã có thời điểm giá dầu WTI vọt lên 47,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 9.

Diễn biến trên thị trường “vàng đen” cũng đã tạo tác động tích cực tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Chốt phiên trên sàn chứng khoán phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,6%, 0,5% và 0,2% lên mức tương ứng 18.339,240 điểm, 2.171,37 điểm và 5.318,55 điểm. Tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh và chỉ số EURO STOXX 50 đều tăng 0,6% lên mức 6.849,38 điểm và 2.988,88 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp và chỉ số DAX 30 của Đức tăng lần lượt 0,8% và 0,7% lên mức 4.432,45 điểm và 10.438,34 điểm.

Đánh giá về động thái được xem là tích cực của OPEC, chuyên gia phân tích Phil Flynn thuộc Tập đoàn tư vấn tài chính Price Futures Group cho rằng thỏa thuận này sẽ có thể giúp tạo “mức sàn” cho giá dầu là 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, theo Hãng nghiên cứu Capital Economics, quyết định hạn chế sản lượng khai thác của OPEC vẫn chưa đủ để vực dậy giá dầu. Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc công ty dịch vụ tài chính BMO Capital Markets cảnh báo hạn ngạch sản lượng mà OPEC đưa ra luôn không được các nước thành viên tôn trọng.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thoa-thuan-cua-opec-van-chua-du.aspx