Thỏa thuận của OPEC chỉ làm tăng giá dầu mỏ ngắn hạn

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí về một thỏa thuận khung về trần sản lượng nhằm cứu vãn giá “vàng đen” tại hội nghị không chính thức tổ chức tại Algeria mới đây. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thỏa thuận này sẽ chỉ cung cấp những trợ lực cho giá dầu trong ngắn hạn và sẽ không làm thay đổi nhiều triển vọng nguồn cung trong dài hạn.

Cụ thể, các thành viên OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ lần đầu tiên kể từ năm 2008, từ mức 33,24 triệu thùng/ngày trong tháng Tám vừa qua, xuống trần sản lượng trong ngưỡng 32,5-33 triệu thùng/ngày. Chi tiết mức trần cho từng thành viên sẽ được quyết định trong cuộc họp chính thức của OPEC vào tháng 11 tới tại Vienna (Áo).

Việc OPEC đạt được thỏa thuận giảm sản lượng, giúp giá dầu WTI tại thị trường Mỹ tăng hơn 5% và dầu Brent tăng hơn 6% tại London (Anh), đồng thời kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh theo. Chỉ số nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng tới 4,34%, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng Giêng. Nếu không có thỏa thuận này, các chuyên gia cho rằng, giá “vàng đen” có thể lại tụt xuống dưới 40 USD/thùng hoặc thấp hơn nữa.

Theo đánh giá của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, nếu thỏa thuận cắt giảm này được các thành viên OPEC tuân thủ nghiêm ngặt, nó sẽ có những tác động giúp kéo giá dầu lên trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn hạ dự báo giá dầu ngọt nhẹ WTI từ mức 50 USD đưa ra trong tuần trước xuống còn 43 USD/thùng vào cuối năm nay, và chỉ tăng lên 53 USD/thùng vào năm 2017.

Goldman Sachs cũng lưu ý rằng, việc tuân thủ theo thỏa thuận hạn ngạch là một dấu hỏi lớn cần theo dõi, đặc biệt khi thị trường dầu mỏ vẫn đứng trước rủi ro dư cung sản lượng từ những quốc gia không phải là mục tiêu của thỏa thuận, như Iran, Libya và Nigeria.

Một điểm đáng chú ý khác là thỏa thuận khung trần sản lượng cho thấy Ảrập Xêút, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và cũng là thành viên có tiếng nói lớn nhất trong OPEC, đang có những mâu thuẫn với chính chiến lược dầu mỏ mà mình từng theo đuổi, chuyên gia John Kilduff tại Again Capital nhận định.

Bản thân Ả rập Xê út từng quyết định hồi tháng 11/2014 sẽ theo đuổi chính sách giành thị phần dầu mỏ toàn cầu trước sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn ngoài OPEC, đặc biệt là các nhà sản xuất dầu đá phiến có chi phí cao từ Mỹ, bất chấp sẽ đẩy thị trường vào tình thế “dư cung” lớn. Tuy nhiên, chiến lược này cũng gây ra những sức ép tài chính khủng khiếp cho Riyadh khi giá “vàng đen” liên tục tụt dốc.

Dự trữ ngoại tệ của Ả rập Xê út đã giảm 20% trong vòng 2 năm qua xuống còn 587 tỷ USD trong tháng Ba, tháng gần nhất mà dữ liệu này được công bố. Hay mới đây, quốc gia này thông báo sẽ cắt giảm 20% lương của các bộ trưởng và giảm các khoản phụ cấp đối với các quan chức nhà nước, khu vực chiếm tới 2/3 lực lượng lao động của nước này.

“Sự nhượng bộ của Ả rập Xê út về thỏa thuận khung trần sản lượng cho thấy họ đang có những mâu thuẫn với chính chiến lược mà mình theo đuổi. Ảrập Xêút sẽ phải chịu phần lớn trong mức cắt giảm sản lượng này, trong khi Iran thì được loại trừ khỏi mục tiêu cắt giảm sản lượng”, chuyên gia Kilduff đánh giá.

Trước đó, hồi tháng 4/2016, tại cuộc họp giữa OPEC và Nga tại Doha (Qatar), Ảrập Xêút từng khăng khăng rằng họ chỉ đóng băng sản lượng khi Iran cũng có những động thái tương tự và tất nhiên, Iran đã từ chối tham gia thỏa thuận này.

Sự nhượng bộ của Ả rập Xê út về thỏa thuận khung trần sản lượng cho thấy họ đang có những mâu thuẫn với chính chiến lược mà mình theo đuổi.

Nguồn tin Reuters cho biết Ả rập Xê út buộc phải hạ thấp lập trường của mình khi tuyên bố Iran, Libya và Nigeria có thể khai thác tối đa, ngay cả khi các nhà sản xuất khác hạn chế sản lượng. Vẫn chưa rõ liệu các điều khoản này có được thống nhất tại cuộc họp tháng 11 hay không, trong bối cảnh sản lượng “vàng đen” của Iran đang gia tăng mạnh mẽ. Quốc gia vùng Vịnh này đã cán mốc sản lượng 3,6 triệu thùng/ngày và đang tiệm cận mục tiêu 4 triệu thùng/ngày.

Nigeria và Libya thì cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng trở lại sau giai đoạn bất ổn và xung đột trong nước đã làm đình trệ nguồn cung dầu mỏ của mình ra thế giới. Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya National Oil Corp. cho biết, sản lượng dầu thô của hãng đã tăng gấp đôi lên 485.000 thùng/ngày sau khi mở cửa lại cảng biển xuất khẩu trong tháng này.

Các động thái kể trên, cùng với kế hoạch tăng sản lượng của Nga, cho thấy thị trường “vàng đen” vẫn đứng trước bài toán nan giải về nguồn cung, chuyên gia Kilduff khẳng định.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/thoa-thuan-cua-opec-chi-lam-tang-gia-dau-mo-ngan-han-165372.html