"Thơ xóm Điếm"

Có một xóm thơ, xóm quê hương của "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương nổi tiếng thế giới, có tên là xóm Điếm, nơi có cái điếm canh từ thời trước, thuộc xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Nói là xóm thơ, bởi nơi đây có hàng trăm người làm thơ nối nhau từ đời này sang đời khác... Đó là lý do để nhóm tác giả tự hào chọn cho tập thơ của mình cái tên nghe khá lạ "Thơ xóm Điếm".

Nhóm tác giả đó gồm: Phó GS toán học Văn Như Cương và các nhà thơ Hồ Phi Phục, Dương Huy, Dương Danh Dũng, Lam Giang. Họ cùng sinh ở xóm Điếm, cùng thế hệ, cùng trải qua hai cuộc kháng chiến và đều sống ở xa quê.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét từng nhà thơ như sau: Thơ Văn Như Cương thấm đẫm chất "nói trạng" của những ông đồ xứ Nghệ xưa. Thông minh, hóm hỉnh, thân gần: "Ông yêu cháu nhất nhà/ Yêu hơn yêu mẹ cháu/ Yêu hơn cả yêu bà/ Vì cháu chưa biết nói/ Chẳng cãi ông bao giờ"...

Dương Huy làm báo nhưng lại nặng nghiệp thơ. Ông làm thơ trào phúng châm chọc thói hư tật xấu. Ông làm thơ cho thiếu nhi, thơ trữ tình... Ta thấy trong thơ ông một tâm hồn thật trẻ trung, hồn nhiên...

Dương Danh Dũng ngoài đời chả thấy lúc nào buồn. Vậy mà đọc thơ anh lại thấy một con người cả yêu, cả nghĩ, nặng nợ với quê, với người với việc. Anh thường thốt lên những nỗi buồn như vô lý về những mẹ già chốn quê làng: "Tóc xanh gửi hết cho đời/ Bây giờ đầu bạc còn ngồi bán rau", cùng với sự chia sẻ cảm thông sâu sắc: "Dông chiều giã nát thân đê/ Mùa chưa kịp hái lũ về cuốn trôi/ Nhọc nhằn đãi hạt thóc rơi/ Lần khân chuột cống leo ngồi ngọn cây".

Lam Giang là bút danh của Hồ Sĩ Thành, có lẽ tính anh không cầu kỳ kiểu cách nên thơ anh khá mộc mạc, dung dị. Con người Lam Giang đúng như bài thơ anh đã viết tặng chính mình một chân dung tự họa: "Đam mê nặng nợ giấy nghiên/ Làm thơ làm lính đâu phiền lụy ai".

Còn Hồ Phi Phục có một giọng thơ phảng phất triết học về cái đẹp. Mỗi lần đọc thơ ông là thêm một lần khám phá những vỉa tầng thoắt ẩn thoắt hiện...

"Thơ xóm Điếm" vừa được NXB Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây cho ra mắt bạn đọc và tổ chức giới thiệu vào tối 19.4 tại Thư viện Café Đông Tây (11A Trần Quý Kiên, HN).

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/tho-xom-diem/60656.bld