Thơ và nhạc, nhạc và thơ...

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng

Chúng tôi đang chuẩn bị về thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, theo lời mời của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài mừng thị xã được lên thành phố, thì Nguyễn Khắc Văn rủ đi Hồng Ngự, huyện biên giới Tây Nam, tỉnh Đồng Tháp, để dự đám giỗ em trai ruột nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Trên đường, Văn mở đĩa nhạc đồng quê của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, trong đó có 2 ca khúc phổ thơ anh. Mưa lớn, Văn lái xe chạy chậm. Mùa nước nổi miền Tây trắng mờ trong mưa. Cả năm không gặp nên hơn 4 tiếng đồng hồ từ TPHCM đến Hồng Ngự không đủ để nói hết bao nhiêu chuyện cũ, mới của hai anh em hợp tính, hợp tình.

Đám giỗ đông đủ và ấm cúng, không khoảng cách, không xa lạ! Tôi như được tắm trong không khí quê nhà. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng nói: “Tôi chỉ sáng tác những gì mình cảm! Nghe Văn nói ông làm thơ. Đọc một hai bài, nghe chơi”. Tôi nhìn Văn và đọc vài câu thơ góp vui. Tôi hiểu, để có sự đồng cảm của mọi người rất khó, kể cả thơ tình. Tôi vừa lo vừa mừng. Mừng vì nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, nổi tiếng với những bản nhạc đồng quê của miền Tây Nam bộ như Giã từ, Sao anh nỡ đành quên, Nhớ người tình phụ, Người hàng xóm (thơ Nguyễn Bính), Hồng Ngự mang tên em, Tình cây và đất, Về miền Tây… sẽ phổ thơ mình. Lo vì nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từng phổ nhạc thơ Nguyễn Bính…?

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã chịu khó nghe thơ tôi, vậy là quý lắm rồi! Tôi nghĩ nhiều về quan hệ giữa thơ và nhạc. Và cũng chợt nghĩ tại sao Nguyễn Khắc Văn, sinh ra trong một gia đình trí thức, tốt nghiệp Toán-Tin Đại học Tổng hợp TPHCM, lại yêu thích thơ và có làm thơ; rồi chọn nghề báo, quen thân nhiều nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Điệu tâm hồn của hai người có gì giao cảm? Và điều gì khiến hai người thân nhau như ruột thịt.

Còn nhớ cách nay hơn chục năm, bữa đó nhạc sĩ Phó Đức Phương vào TPHCM hẹn Văn ra quán quen uống rượu. Văn alô tôi đến và giới thiệu. Tôi biết và thuộc nhạc Phó Đức Phương nhưng anh không biết tôi, không đọc thơ tôi. Câu chuyện xoay quanh việc chúng tôi thích ca khúc của Phó Đức Phương, giàu chất dân ca Bắc bộ, nể phục anh với những ca khúc Hồ trên núi, Những cô gái Quan họ, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân, Về quê… Chúng tôi nói nhiều về lợi thế, sức mạnh của âm nhạc trong thời mở cửa, thời hiện đại, mối quan hệ mật thiết giữa thơ và nhạc, sự tinh tế tài tình của những bài hát phổ thơ và những bài hát hay có ca từ như thơ, là thơ. Anh Phương nhẩm vài ca khúc anh… sướng và yêu cầu tôi đọc nhỏ vài bài thơ của mình. Anh nghe và không nói gì.

>> Mời nghe ca khúc "Giao thừa có mẹ":

Tôi nhớ thời gian làm Trưởng Ban Văn hóa-Văn nghệ, báo SGGP, chính Nguyễn Khắc Văn đã giới thiệu và mang thơ tôi đến với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Do duyên phận, chỗ ở gần, tôi thường mang tôm tươi mua ở chợ Tân Định biếu nhạc sĩ và trò chuyện, riết rồi thành thân. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tài hoa qua những ca khúc thấm đẫm chất dân ca Việt Nam, như Dư âm, Em đi làm tín dụng, Tôi ghé thăm nhà chị giỏi chăn nuôi, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre, Huyền diệu… Ông quý tôi qua Văn và nói: “Thơ phổ nhạc hay là loại thơ có tứ lớn, khái quát và giàu nhạc cảm. Nghĩa là bài thơ, tứ thơ có nhịp điệu gợi mở khiến nhạc sĩ bay bổng theo thơ, chứ không gò bó bằng nhịp điệu của thơ. Ngày xưa ông bà mình hát thơ mà thành làn điệu dân ca, thành những khúc ngâm, hát ru… Không phải cứ tài thơ là thơ có thể hát được. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… rất hay nhưng ít người phổ nhạc hay”.

Ý nghĩ về mối quan hệ giữa thơ và nhạc, nhạc và thơ… chắc còn đeo đẳng tôi mãi sau này! Đã đến lúc tôi thầm nghĩ, phải xem lại thơ mình. Tôi là con nhà nghèo, được học hành, có chút khiếu văn chương, viết thể nghiệm mải miết không mệt mỏi… Ba nhạc sĩ kể trên thuộc những người nổi tiếng, mỗi người một vẻ, một khung trời nghệ thuật, họ đích thực là những nhạc sĩ đồng quê Việt Nam. Nhưng cả ba đều không… cảm thơ Vũ Ân Thy! Có lẽ… yêu thơ, tôi đã chọn sai đường?
Đất nước mùa xuân, mùa của thơ ca nữa lại về…

Vũ Ân Thy

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/amnhac/2014/2/340236/