Thờ ơ

Một điều đáng mừng là thời gian qua, quy trình xây dựng pháp luật ngày càng minh bạch hơn. Các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là DN đã có thể tham gia sâu rộng vào quy trình hoạch định chính sách của Nhà nước.

Tới nay, nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, đã cởi mở và cầu thị hơn trong hoạt động xây dựng pháp luật. Biểu hiện là các dự thảo được công khai trên trang điện tử; DN đối thoại với cơ quan chủ trì soạn thảo; các hiệp hội được mời tham gia vào hoạt động thẩm định, thẩm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,…

Tuy nhiên, khi tổ chức khảo sát, một thực tế đã được nhìn nhận là sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các DN vẫn còn rất hạn chế. Theo kết quả khảo sát của hơn 8.300 doanh nghiệp dân doanh năm 2015 tại 63 tỉnh, thành phố do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cho thấy một thực trạng đáng buồn là có đến gần 80% DN chưa từng tham gia góp ý kiến về các quy định, chính sách của Nhà nước. Một khảo sát khác được VCCI tiến hành với 1.000 DN nhỏ và siêu nhỏ cũng cho thấy, chỉ có 20% DN “sẵn sàng góp ý tất cả các dự thảo, kể cả nội dung ít liên quan; 45% DN “sẽ tham gia nếu vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh”; 32% DN "chỉ tham gia nếu các quy định chưa hợp lý, gây khó khăn cho mình" và 4% DN “không có nhu cầu tham gia”. Một nghiên cứu năm 2015 của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy kết quả tương tự: Phần lớn các DN hiện nay tiếp cận văn bản pháp luật hải quan khi văn bản đó đã có hiệu lực. Trong đó, 36% DN tự tìm hiểu và 49% do Cục Hải quan thông báo.

Bàn đến vấn đề này, một lãnh đạo của Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính đã từng chia sẻ một vài tình huống "dở khóc dở cười". Có trường hợp khi gửi dự thảo xin ý kiến, tổ chức, DN gửi văn bản trả lời là hoàn toàn nhất trí với dự thảo nhưng chỉ vài ngày sau khi dự thảo kia chính thức được ban hành thì chính tổ chức, DN đó lại gửi văn bản kiến nghị ý này ý kia. Trường hợp khác, khi Bộ Tài chính tổ chức hội thảo xin ý kiến, đại diện tổ chức, DN cử đến phát biểu ý kiến thì bày tỏ đồng tình, nhưng sau đó văn bản góp ý gửi sang do một đại diện khác ký tên lại không đồng tình điểm này điểm khác.

Thực tế này chỉ ra rằng phần lớn DN vẫn còn thờ ơ với các hoạt động xây dựng pháp luật. Đây là thách thức lớn đặt lên vai các cơ quan hoạch định chính sách trong việc cải thiện và thu hút sự tham gia "mặn mà hơn" của cộng đồng để từ đó góp phần đưa những văn bản pháp luật đến gần hơn với thực tiễn, tránh những "phản ứng" không đáng có xảy ra.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tho-o.aspx