Thổ Nhĩ Kỳ và mối nguy cho cuộc chiến giành Mosul

Trong bối cảnh các cuộc tấn công nhằm giành lại Mosul từ tay IS đang diễn ra ác liệt, những căng thẳng âm ỉ giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm phức tạp thêm hoạt động chiến đấu của Baghdad. Chúng cũng nêu bật những vấn đề về cuộc chiến trong tương lai, ở Mosul cũng như ở cả miền bắc Iraq.

Ngay từ đầu chiến dịch giành lấy Mosul, Thổ Nhĩ Kỳ đã muốn nhúng tay vào. Tuy nhiên, chính phủ Baghdad kiên quyết chống lại sự can thiệp của Ankarra. Điều này buộc Mỹ phải tiến hành một số hoạt động ngoại giao nhằm đảm bảo rằng mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq không làm lu mờ giai đoạn đầu của cuộc tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong chuyến thăm tới Baghdad cuối tuần trước đã tái khẳng định "tầm quan trọng sống còn của mỗi quốc gia, được hoạt động với sự tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Iraq". Thông điệp này rõ ràng nhắm tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dân Iraq biểu tình yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi miền bắc. Ảnh: BBc

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn can thiệp?

Mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq là rất phức tạp. Đó là một hỗn hợp của mối quan tâm về chiến lược, nền chính trị trong nước, và quá khứ Ottoman. Sự nổi dậy của IS khiến nhà nước Iraq vốn đã mong manh thêm suy yếu.

Tuy nhiên, không chỉ các phe phái Syria và Iraq khiến tình hình rắc rối. Các cường quốc trong khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang háo hức bảo đảm lợi ích của họ. Đó là lý do tại sao quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến miền bắc Syria. Và, trong bối cảnh cuộc chiến tại Iraq đang kéo tới sát biên giới nước mình, chính phủ Ankara muốn củng cố vị thế tại nước này.

Mối quan tâm chiến lược cơ bản của Ankara là đảm bảo rằng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - vốn nổi dậy tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua- không mở rộng hoạt động ở miền bắc Iraq. Ankara cũng muốn hạn chế ảnh hưởng của Iran, bởi Tehran có quan hệ thân cận với chính phủ đa số là người Shitte ở Baghdad. Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo vệ cho người Sunni và các dân tộc thiểu số người Thổ ở miền bắc Iraq. Đó là lý do tại sao Ankara không muốn lực lượng dân quân Shitte tham gia chiến dịch Mosul.

Tham vọng của Ankara

Hiện nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chưa tham gia vào các hoạt động Mosul. Tuần trước, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã cảnh báo về một cuộc đối đầu quân sự có thể nếu Ankara can thiệp. "Chúng tôi đã sẵn sàng đáp trả. Đây không phải là một mối đe dọa hoặc cảnh báo, đây là phẩm giá của Iraq", ông Abadi nói. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ một căn cứ quân sự tại Bashiqa, nằm cách Mosul không xa. Căn cứ này là trung tâm liên lạc quân sự chặt chẽ tại các khu vực dân cư chính của chính quyền bán tự trị người Kurd.

Cũng như ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đào tạo lực lượng dân quân địa phương Ninevah Guards - một lực lượng gồm 3.000 người Sunni, người Thổ và người Kurd. Vai trò của lực lượng này trong chiến dịch giải phóng Mosul vẫn chưa rõ ràng. Nhưng căng thẳng giữa Ankara và Baghdad chắc chắn sẽ leo thang. Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24-10 tuyên bố đã sử dụng xe tăng và pháo binh từ căn cứ Bashiqa để hỗ trợ các chiến binh Peshmerga chống IS. Chính phủ Iraq nhanh chóng bác bỏ tuyên bố này.

Tham vọng của Ankara sẽ gây hậu quả gì. Ai sẽ kiểm soát khu vực một khi IS bị trục xuất? Có thể chính phủ Iraq sẽ thực sự hành động vì lợi ích của tất cả? Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ một nhóm người nào đó để loại bỏ các nhóm còn lại? Tổng thống Recep Tayyip Erdogan liệu có yêu cầu quân đội đóng vai trò tích cực hơn ở Iraq cũng giống như những gì ông đã làm ở miền bắc Syria? Tất cả sẽ khiến chiến dịch giải phóng Mosul gặp nhiều bất trắc.

An Bình
(Theo BBC)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_156676_tho-nhi-ky-va-mo-i-nguy-cho-cuo-c-chie-n-gia-nh-mo.aspx