Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua S-400 của Nga, NATO đứng ngồi không yên

"Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn thoát khỏi ảnh hưởng bởi sự lãnh đạo của NATO, và chắc chắn sẽ chống lại sự phản đối việc nước này sở hữu S-400 của Nga".

Tờ Pravda ngày 19/11 đưa tin cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đặt vấn đề mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 trong cuộc họp sắp tới của ủy ban liên chính phủ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức tại Nga.

S-400.

Thực tế các cuộc đàm phán về việc mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa này đang được tiến hành, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik xác nhận trong một tuyên bố hôm 18/11.

Theo ông, Ankara đã tiến hành đàm phán với cả các quốc gia khác về việc mua sắm hệ thống tương tự, nhưng chỉ với Nga là đạt được một số thỏa thuận tích cực.

"Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia thành viên NATO sẽ ủng hộ thỏa thuận này. Hệ thống (S-400) sẽ tương thích với các yêu cầu của liên minh", ông Isik nói trong bài phát biểu với kênh truyền hình NTV. Theo ông, mục tiêu cuối cùng của Ankara là sản xuất các hệ thống tương tự trong nước.

Theo Pravda, trong cuộc gặp gỡ trước đó tại Istanbul, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đã đề cập tới chủ đề hợp tác quân sự-kỹ thuật, bao gồm khả năng cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến cho Ankara.

Theo người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc thảo luận về khả năng cung cấp S-400 có thể được coi là một cách để chứng minh với Hoa Kỳ rằng Ankara có thể xây dựng chiến lược hợp tác không chỉ với Mỹ mà còn cả với các đồng minh khác.

"Hàm ý của bước đi này là: Các anh cần phải hỗ trợ chúng tôi, phải tính đến quan điểm của chúng tôi, nên ngừng hỗ trợ cho người Kurd", chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, Nga không nên quên rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO. Điều đó có nghĩa là liên minh có thể can thiệp vào cuộc đàm phán giữa Moscow và Ankara, chuyên gia quân sự người Nga, Đại tá về hưu và hiện là Chủ biên tạp chí Vũ khí bảo vệ Tổ quốc, Victor Murakhovski nhắc nhở. "Điều này đã từng phải ra với việc cung cấp hệ thống phòng không ở Hy Lạp và thậm chí là Síp, quốc đảo vẫn chưa thành một phần chính thức của liên minh".

Trong năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ từng phải hủy bỏ gói thầu cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Hồng Kỳ 9 (HQ-9) trị giá 3,4 tỉ USD với Công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác Trung Quốc (CPMIEC) trước sức ép của Mỹ và NATO.

Vào thời điểm đó, quan hệ Nga-Thổ đang căng thẳng cực độ, Washington và Brussels vô cùng hào hứng với quyết định của chính quyền Erdogan, các công ty Mỹ-EU tràn đầy hy vọng thắng thầu. Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi quan hệ Moscow-Ankara đang trở nên nồng ấm hơn bao giờ hết.

Hệ lụy khôn lường khiến NATO lo lắng

Theo các chuyên gia, Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện có thể tạo ra một ngoại lệ, thúc đẩy thỏa thuận với Nga và không nghe đối tác chiến lược ở Washington.

Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn thoát khỏi ảnh hưởng bởi sự lãnh đạo của NATO, và chắc chắn sẽ chống lại sự phản đối.

"Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn thoát khỏi ảnh hưởng bởi sự lãnh đạo của NATO, và chắc chắn sẽ chống lại sự phản đối. Tất khó đoán kết cục, nhưng theo tình thế hiện nay, ông Erdogan có thể vượt qua áp lực như vậy," chuyên gia Victor Murakhovski kết luận.

Trong bài phát biểu với kênh NTV mới đây, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là ông Ibrahim Kalyn đã nhấn mạnh rằng "dù kết quả đàm phán với NATO như thế nào thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không bác bỏ đề xuất của Nga, mà đang tích cực làm việc với chính quyền của ông Putin để hiện thực hóa điều đó”.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga sẽ giúp đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Moscow và Ankara lên một tầm cao mới, chứng minh rằng mối quan hệ này đã không còn khoảng cách.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự phương Tây từng lên tiếng cảnh báo về những hậu quả địa-chính trị, kinh tế, ngoại giao, đặc biệt là về mặt quân sự đối với NATO khi trước đó Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý định muốn mua hệ thống S-300 của Nga.

Về ngoại giao, nó có thể là một dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO vốn đang chất đầy những rạn nứt và bất đồng, nhất là kể từ sau cuộc đảo chính bất thành tại quốc gia này hồi tháng 7.

Ankara đã bày tỏ sự thất vọng mạnh mẽ với các đồng minh do thay vì ủng hộ, phương Tây lại kịch liệt lên án các biện pháp trấn áp mạnh tay lực lượng đảo chính quân sự của chính quyền Erdogan.

Về quân sự, việc triển khai S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một “thảm họa” to lớn đối với NATO. Sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tiên tiến của Nga tại một nước thành viên sẽ đồng nghĩa với việc phá bỏ các quy chuẩn của khối về tác chiến, như “một cú tát” vào kết cấu của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO.

Về kinh tế, các công ty quốc phòng của các nước thành viên sẽ mất đi một hợp đồng lớn. Hơn nữa, nó có thể tạo ra một ngoại lệ “đáng lo ngại” trong liên minh.

Sự khôi phục toàn diện và có những bước tiến dài trong quan hệ Nga-Thổ sẽ giúp Moscow củng cố vị trí mạnh mẽ hơn trong khu vực quan trọng và đang có nhiều biến động, nơi Moscow và phương Tây cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ thông qua một loạt các cuộc xung đột.

Nhiều thành viên NATO trước đó đã bày tỏ ý định muốn mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của nước ngoài liên minh với mức giá rẻ hơn, hiệu quả hơn nhưng đều bị ngăn cản bởi mối đe dọa từ sự “phá vỡ kết cấu phòng thủ của khối”.

Một khi Ankara triển khai S-400 thành công và tích hợp suôn sẻ với các hệ thống khác của phương Tây, các nước khác trong khối có thể sẽ suy nghĩ lại về cách giúp họ tiết kiệm ngân sách quốc phòng và hiệu quả của vũ khí.

"Hệ thống phòng không cao cấp của Nga cao cấp có thể đối phó với bất kỳ mối đe dọa từ trên trời, dù tên lửa hành trình, máy bay trực thăng, máy bay do thám và thậm chí cả tên lửa đạn đạo", Philip Migo là một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thuộc Bộ Tổng tham mưu của Pháp thừa nhận.

Về địa chính trị, sự khôi phục toàn diện và có những bước tiến dài trong quan hệ Nga-Thổ sẽ giúp Moscow củng cố vị trí mạnh mẽ hơn trong khu vực quan trọng và đang có nhiều biến động, nơi Moscow và phương Tây cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ thông qua một loạt các cuộc xung đột.

Thổ Nhĩ Kỳ có một vai trò quan trọng đặc biệt đối với châu Âu và Mỹ. Quốc gia này sở hữu nhiều căn cứ chiến lược, nơi liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang sử dụng để phục vụ các chiến dịch chống lại các nhóm khủng bố khét tiếng, bao gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ còn được xem là cửa ngõ vào châu Âu, nơi chặn đứng dòng người tị nạn khổng lồ chạy trốn bạo lực ở Trung Đông đang đe dọa phá vỡ các biên giới tràn vào châu Âu tìm kiếm sự đổi đời.

Dòng người di cư này không chỉ tạo ra các áp lực về mặt kinh tế, xã hội mà còn ẩn chứa các mối đe dọa an ninh to lớn với châu Âu. Các chuyên gia đã không ít lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người nhập cư để vào châu Âu tiến hành các vụ tấn công đẫm máu.

Những tác động được dự báo sẽ còn kéo dài và khó lường trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và Liên minh châu Âu, tình hình Syria.

Hoàng Hải

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-quyet-tam-mua-s-400-cua-nga-nato-dung-ngoi-khong-yen-a306922.html