Thổ Nhĩ Kỳ hậu đảo chính: Dân lo sợ trong chảo lửa

Truyền thông thế giới cho biết rằng, dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ đang lo sợ những gì mà ông Erdogan sẽ làm sau cuộc đảo chính bất thành ngày 16/7/2016.

Thổ Nhĩ Kỳ hậu đảo chính: 1/3 dân chúng nghi ngờ ông Erdogan

Ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ, những tấm biểu ngữ ghi dòng thông điệp "Chủ quyền thuộc về quốc gia", "Nền dân chủ không thỏa hiệp" xuất hiện tràn ngập, báo chí thi nhau ủng hộ tuyên bố "Tình trạng khẩn cấp cho những kẻ âm mưu đảo chính, hòa bình cho dân chúng".

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã “sạch bóng” những tờ báo đối lập, còn sau cuộc đảo chính thất bại, những người ủng hộ Gulen đã không dám ra đường, do đó, thật dễ hiểu là những lời tung hô Erdogan xuất hiện ở khắp nơi.

Đó không phải tâm trạng chung của tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia, nhà phê bình lo ngại tình trạng khẩn cấp có thể đem đến cho Tổng thống Erdogan nhiều quyền lực hơn, đủ để ông thao túng cả quốc hội, còn trên đường phố, người dân tỏ ra ngại ngần khi bàn về đề tài này.

Tờ Financial Times của Anh vừa thông báo kết quả một cuộc điều tra xã hội học của Công ty nghiên cứu Streetbees ở Thổ Nhĩ Kỳ và đưa ra nhận định rằng, một phần ba dân số nước này cáo buộc Tổng thống Erdogan đứng đằng sau âm mưu đảo chính ngày 16/7/2016 vừa qua.

Công ty nghiên cứu của Anh đã tiến hành một cuộc khảo sát ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó một phần ba số người được hỏi ủng hộ quan điểm cho rằng, đứng đằng sau cuộc đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Financial Times viết, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng một loạt mâu thuẫn và tính chất "nghiệp dư" của cuộc đảo chính quân sự tại nơi vốn có truyền thống tổ chức đảo chính đã khiến người dân nước này dấy lên sự nghi ngờ về tính chất thật-giả của cuộc binh biến này.

Ông Erdogan đang tiến hành một cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ

Chẳng hạn, cuộc tấn công vào khách sạn ở Marmaris, nơi tổng thống và gia đình của ông hiện diện lẽ ra phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của phe đảo chính, nhưng nó lại xảy ra sau khi các kênh truyền hình phát lời kêu gọi của ông Erdogan tại sân bay Istanbul tới hơn một giờ đồng hồ.

Ngoài ra, việc có tới 283 quân nhân trong lực lượng bảo vệ Tổng thống tham gia phe đảo chính là cơ hội tuyệt vời để họ bắt giữ ông này ở Ankara, thế nhưng các tướng lĩnh đảo chính lại chọn thời điểm ông ở Marmaris để tiến hành một phi vụ khó khăn hơn nhiều.

Những người được hỏi cũng không tin rằng tính mạng của tổng thống Erdogan đã gặp nguy hiểm. Họ cho rằng, có điều gì đó không hợp lý sau tuyên bố máy bay của ông bị hai tiêm kích F-16 đuổi theo nhưng chúng đã không bắn và sau đó “bay đi mất hút”.

Thêm nữa, tuyên bố ngày 16/7 của Tổng thống Erdogan rằng, âm mưu đảo chính quân sự là "món quà của Thượng đế" để chính quyền có cơ hội bắt giữ hết các phần tử thân Gulen cũng là một điểm đáng nghi khi Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tới 10.000 người cả trong quân đội và các cơ quan dân sự.

Tờ Telegraph nhận định rằng, nỗ lực đảo chính của nhóm các sĩ quan bất mãn có thể không thành công, nhưng bây giờ đang có một cuộc “đảo chính” khác, đó thực chất là cuộc xung đột giữa những người ủng hộ Erdogan, chống lại những người phản đối phong cách lãnh đạo ngày càng độc đoán của ông.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-hau-dao-chinh-dan-lo-so-trong-chao-lua-3314844/