Thợ chết khi trèo cột điện gãy đôi: Cọng sắt bất thường

Tại hiện trường vụ tai nạn khiến 2 công nhân bị thương vong, trụ điện trung thế bị gãy lìa phần gốc, trơ vài cọng sắt nhỏ.

Ngày 27/4, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận vẫn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động khiến hai người thương vong xảy ra trên địa bàn thôn Đá Bắn (xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải).

Theo thông tin ban đầu, vào chiều 26/4, anh Nguyễn Lê Nhật (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) và anh Huỳnh Văn Tấn Ngọc (32 tuổi, quê Ninh Thuận) cùng nhiều công nhân kỹ thuật đến tu sửa trụ điện trung thế ở địa bàn trên, trong lúc anh Nhật và anh Ngọc leo lên trụ điện thì trụ điện này bất ngờ gãy đổ đè lên hai nạn nhân.

Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do bị chấn thương quá nặng, anh Nhật đã tử vong, riêng anh Ngọc bị thương nặng vẫn đang được điều trị.

Tại hiện trường, trụ điện trung thế bị gãy lìa phần gốc, trơ vài cọng sắt nhỏ, theo Dân Việt

Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Hiện trường nơi xảy ra trụ điện bị gãy khiến hai công nhân thương vong. Ảnh: Dân Việt

Hiện trường nơi xảy ra trụ điện bị gãy khiến hai công nhân thương vong. Ảnh: Dân Việt

Trước đó, sáng ngày 22/4/2016, một trận mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm đổ 3 cột điện đường dây 500 KV (Quảng Ninh - Hiệp Hòa, Bắc Giang) đoạn qua xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Tại hiện trường, cột điện cao áp cao khoảng 30m bị bật chân đế, vặn cong phần thân giữa rồi đổ sập xuống ruộng. Phần chân đế nhô ra những thanh thép nhỏ.

Phân tích rõ với Đất Việt, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội XDVN, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, rất ít khi xảy ra những trường hợp cột điện bị quật đổ vì giông lốc trong khi cây cối vẫn hoàn toàn bình thường.

''Những người liên quan bảo rằng gió lốc lớn dẫn đến đổ cột điện thì tôi nghĩ là không đúng. Tất nhiên là gió ở trên cao bao giờ cũng mạnh hơn ở dưới thấp. Có thể cây chuối ở dưới mặt đất sẽ không chịu sức gió lớn như cột điện cao 30m tuy nhiên nếu cột điện bị quật đổ thì ở dưới cũng phải bật cây chuối. Điều này hết sức vô lý'', ông Liêm nói.

Ngoài ra, khi nhìn hiện trường, vị chuyên gia khẳng định ý kiến của nhiều người về việc chất lượng công trình thi công không đảm bảo là có cơ sở.

''Cột chính bị bật gốc chứ cột vẫn thẳng đứng vẫn dài không làm sao cả, chỉ bị vặn một chút thôi. Những bu lông để cố định cột, neo cột vào móng bị lôi lên rất ngắn. Điều này chứng tỏ neo chưa đủ lực, với những neo như thế thì gió chưa cần đổ mạnh đã bật rồi

Thứ hai, những mảnh bê tông ở trụ cột khi bị cậy vụn vặt, chứng tỏ chất lượng rất kém. Bê tông chất lượng kém, neo không đảm bảo và cuối cùng khi chịu sức gió nó bật cái neo ra dẫn đến cột bị đổ.

Nếu móng tốt, neo đúng quy chuẩn chất lượng thì khi đó cột sẽ bị gẫy chứ không thể bật cả gốc lên mặt đất được'', vị chuyên gia phân tích.

Về sự cố này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, sự cố xảy ra trong điều kiện thời tiết không quá khác thường, nhưng cột điện đường dây 500 KV bị đổ là sự việc khác thường.

Cột điện đường dây 500 KV bị gãy do giông tố đã để lộ nhiều sự bất thường trong quá trình thi công. Vậy trong trường hợp vụ tai nạn ở Ninh Thuận nói trên, không xảy ra giông tố, thì tại sao cột điện lại gãy?

Tuy Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tho-chet-khi-treo-cot-dien-gay-doi-cong-sat-bat-thuong-3334285/