Thịt sạch: Chọn nhãn hiệu thay chọn người bán

Thịt tươi là một trong những sản phẩm thiết yếu với người tiêu dùng. Thói quen đi chợ mua thịt ở những nơi quen biết được hình thành từ thực tế người tiêu dùng không có nhiều thông tin, địa chỉ của nơi sản xuất thực phẩm sạch. Nếu không thay đổi được thói quen này, thịt sạch vẫn rất khó tìm chỗ đứng trên thị trường.

Ông Tạ Văn Tường (áo cam) xem các sản phẩm thịt cấp đông. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nên hiểu đúng thịt tươi

Nhiều người nội trợ vẫn có thói quen đi chợ sớm để chọn được những thực phẩm tươi sống vừa ra lò. Với các sản phẩm thịt sống, nhiều người rỉ tai nhau cách chọn thịt bằng cảm quan và bằng cách nhấn vào miếng thịt để xem độ đàn hồi như thế nào để biết là tươi hay không.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Tường (Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội), thói quen tiêu dùng này chưa khoa học vì thịt gia súc sau giết mổ để ngoài môi trường sẽ bị vi sinh vật xâm nhập và phân hủy theo thời gian. “Thịt an toàn, hay thực sự tươi phải là thịt cấp đông và thịt mát. Còn thịt ôi là thịt nóng được giết mổ và bán không qua quy trình nào cả, sản phẩm lộ thiên không bao gói, không thiết bị bảo quản ”, ông Tường cho hay.

Quy trình chuẩn cho ra sản phẩm thịt tươi, sạch là sau khi giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, thịt sẽ được chuyển vào khu làm mát ở nhiệt độ từ 0 - 4 độ C trong 8- 12 giờ đồng hồ. Thời gian và nhiệt độ này đủ làm đông và ức chế vi khuẩn đển tận lõi thịt. Sau đó, thịt đã làm lạnh mới được pha lóc, đóng khay thịt mát hoặc đóng gói thành phẩm đưa vào cấp đông và bán trên thị trường.

Tuy nhiên do thói quen và quan niệm của nhiều người tiêu dùng, tươi sống là cứ phải xẻ thịt ngay trước mắt nên nhiều siêu thị vẫn nhập thịt nguyên tảng từ các lò mổ về rồi mới đóng khay thịt tại siêu thị (dù đã được chuyển vào xe làm mát sau khi giết mổ). Đây là cách làm chưa thực sự đảm bảo an toàn cho sản phẩm thịt, ông Tường khẳng định.

Thực tế, thịt được làm đúng quy trình giết mổ công nghiệp và làm lạnh, pha thịt ra khay và cấp đông tại chỗ có hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên vì đã đảm bảo ức chế vi khuẩn. Còn những loại thịt mới được làm mát và giết mổ tại siêu thị thường chỉ có hạn trong khoảng 2 ngày vì quá trình vận chuyển đã không còn đảm bảo độ tươi sống của thịt.

Làm gì để có thịt sạch?

Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP. Hà Nội, chỉ riêng số lợn được chế biến trên thị trường này đã lên đến 9.000 con/ngày. Đa số lượng thịt này vẫn được phân phối từ nhiều cơ sở giết mổ trên địa bàn ngoại thành, phần nhiều các cơ sở vẫn mang tính chất nhỏ lẻ và hạn chế về an toàn vệ sinh.

Theo đề xuất của ông Tường, nếu Thành phố có cơ chế thu hút khoảng 3 doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ giết mổ và làm lạnh, làm mát rồi chia ngay tại chỗ sẽ đủ thịt sạch cho người dân trên địa bàn.

Thực tế hiện nay, xu thế cửa hàng tiện ích đang dần nổi lên và cạnh tranh với chợ truyền thống. Các chợ truyền thống sẽ dần gom về thành các chợ đầu mối. Người tiêu dùng đến với cửa hàng tiện ích ngay trong phố, làng của mình dễ dàng mua đồ, đặc biệt là thực phẩm tươi sống dễ dàng và có cảm giác an toàn hơn nhờ các thiết bị bảo quản.

Tuy nhiên, các cửa hàng tiện ích hiện nay cũng chưa tìm được nguồn thực phẩm an toàn có thương hiệu, giá thành ổn định. Chính vì vậy, người ta dễ dàng thấy cảnh một cửa hàng tiện ích thông báo một ngày trong tuần có thịt lợn/gà ngon... thì thấy người đến mua rất đông, thậm chí người mua đã phải đặt hàng từ khi mới có thông tin.

“Nhu cầu là thực sự cao, tuy nhiên trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn chưa có doanh nghiệp phân phối chuyên nghiệp về thịt. Rất nhiều doanh nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội kinh doanh này nhưng vẫn thiếu một chủ trương kêu gọi đầu tư của Thành phố. Nếu Thành phố cung cấp được cho doanh nghiệp một dự án tiền khả thi cùng với quy hoạch rõ chỉ khoảng 3 doanh nghiệp với công suất đủ yêu cầu làm việc này, tôi tin có thể giải quyết bài toán về thịt sạch trên địa bàn Hà Nội”, ông Tường đề xuất.

Ý tưởng về tác động trực tiếp vào thị trường chế biến thực phẩm xuất phát từ việc hiện nay Hà Nội đã khá chủ động về nguồn cung thịt nói chung. Nguồn cung này cũng được đảm bảo bởi việc kiểm soát an toàn về dịch bệnh trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, giá trị người chăn nuôi thu về vẫn khá bấp bênh do phụ thuộc vào thương lái, trong khi đó người tiêu dùng thì vẫn vất vả tự đi tìm thịt sạch theo những cách thủ công của riêng mình.

Vị Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội chia sẻ điều mình tâm huyết: “Nếu người dân cứ đi chọn hàng thịt quen thay vì thương hiệu các sản phẩm được đóng gói an toàn thì vẫn không thể có thịt sạch trên thị trường. Hơn nữa, vì chưa có thịt được chế biến sạch theo đúng quy trình nên người dân vẫn nghĩ thịt gia súc mới mổ tươi ngon hơn thịt đông lạnh. Bằng kinh nghiệm và quá trình tìm hiểu thị trường các nước, tôi cho rằng thịt được giết mổ và làm lạnh đúng quy trình, sau khi rã đông ăn ngay có chất lượng không thua kém gì thịt tươi mới mổ, đặc biệt lại bảo đảm vệ sinh và giữ được các chất hơn nhiều thịt đã qua vận chuyển đến các chợ...”.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/thit-sach-chon-nhan-hieu-thay-chon-nguoi-ban/290142.vgp