Thịt bẩn đang “tra tấn” sức khỏe người tiêu dùng

Cách đây 7 năm, Bộ Y tế ban hành Quyết định 41 về quy định bày bán thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, từ các chợ xanh, chợ “cóc”, hiện vẫn được bày bán nhan nhản các loại thịt ngả màu, ôi thiu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Ngay tại chợ lớn Hà Đông, cảnh bán thịt chưa đúng tiêu chí vẫn diễn ra như thường.

Tràn lan thịt bẩn từ thành thị đến thôn quê

Mới tờ mờ sáng, tại chợ Văn La (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã tấp nập các lái buôn từ khắp nơi mang thịt đổ về. Bên ngoài chợ, có hàng chục phản thịt được đóng tạm bằng những tấm cốppha xây dựng thấp lè tè dính đầy cáu bẩn (thậm chí có người còn để thịt bán luôn trên những tấm bìa cáttông, mảnh bao dưới đất).

Dù vậy, song cảnh mua bán vẫn diễn ra bình thản như thường. Dạo qua nơi này, chúng tôi không ngớt nhận được những lời mời chào: “Mua thịt đi em, chị bán rẻ cho. Mông, ba chỉ hay vai...?”. Vừa nói, người bán hàng vừa giơ những miếng thịt cứng đông, nhợt nhạt, bạc phếch khoe.

Từ khi khu đô thị Văn Phú được xây dựng, các tiểu thương tập trung về chợ Văn La đông hẳn lên. Giá thực phẩm tại đây cũng rẻ hơn các khu chợ khác: Thịt lợn 65.000 - 70.000 đồng/kg, thịt gà (gà công nghiệp ôi) 45.000 – 55.000 đồng/kg. Bác Lê Thị Na (56 tuổi, quê Thái Bình) cho biết: Sáng nào tôi cũng mua 2kg về để nấu cơm cho tốp thợ xây ở nhà...”.

Tương tự như chợ Văn La, chợ Vồ (số 8 Quang Trung, Hà Đông) cũng luôn tấp nập. Đây là chợ được biết đến là chợ đầu mối thịt ôi thiu, giá rẻ của Hà Nội. Chợ chỉ họp từ 12h - 15h trong ngày (thời điểm mà các khu chợ khác đều đóng cửa nghỉ trưa). Những người dân sống ở khu vực này lâu năm cho hay, toàn bộ thịt ở đây đều là thịt ế được tập kết từ các chợ trong nội thành.

Phần lớn người mua thịt ở đây đều mua với số lượng lớn, chủ yếu mang về phục vụ các quán cơm bình dân, bún chả, thậm chí là những hàng cơm văn phòng.

Tại các chợ ở vùng thôn quê, việc bán thịt sống lẫn thịt chín, thịt bẩn... còn diễn ra nhộn nhạo hơn nhiều. Và nét chung, là bẩn.

Quản lý lỏng lẻo?

Khi hỏi về các quy định bày bán thịt hợp vệ sinh, một tiểu thương ở chợ đầu mối Xuân Đỉnh “hồn nhiên” cho rằng: “Vẽ chuyện, chúng tôi bày bán trên bàn thế này đã quá sạch rồi, nhiều người còn bày ngay dưới đất để bán mà cũng chả ai nhắc”.

Ông Nguyễn Văn Hiển - cán bộ Trạm Y tế phường Quang Trung, quận Hà Đông - cho biết, từ đầu năm tới nay, cơ quan này đã phối hợp với phường tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về ATVSTP, trong đó có việc bán thịt lợn tại chợ Vồ. Tuy nhiên, đây là địa bàn giáp ranh giữa phường Yết Kiêu và phường Quang Trung, nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Hầu hết các điều kiện bán hàng tối thiểu tiểu thương còn không quan tâm, chưa nói tới quy định “nhân viên bán hàng phải có giấy chứng nhận đã qua tập huấn về ATVSTP”. Tuy nhiên, dù có quy định thế nào thì các tiểu thương ở chợ cũng không cần biết, vì chẳng mấy khi có ai hỏi đến.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó GĐ Sở Công Thương – Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - khẳng định: Tôi đã chỉ đạo các đội kiểm tra những vấn đề có liên quan đến ATVSTP tại các chợ và siêu thị trên địa bàn TP. Nếu phát hiện sai phạm sẽ cương quyết xử lý, không thể để tình trạng thịt không đảm bảo VSATTP bày bán tràn lan trước cửa ngõ thủ đô như vậy”.

Như vậy, có thể hiểu việc quản lý chợ do ngành công thương; giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm là bên ngành nông nghiệp cấp phép; chợ ở xã, phường thì xã, phường quản lý. Bởi vậy, tình trạng bán hàng tươi sống không đảm bảo ATVSTP đang diễn ra tràn lan cũng là điều dễ hiểu.

Theo Điều 17, Quyết định 41 của Bộ Y tế về bày bán thực phẩm, cửa hàng thịt phải đảm bảo các tiêu chí sau: Các loại thịt được bày bán phải có nguồn gốc an toàn và phải có chứng nhận kiểm dịch của thú y; thịt phải được bày bán trên bàn cao cách mặt đất ít nhất 60cm và có thiết bị chống ruồi, nhặng và các loại côn trùng, động vật gây hại khác; không được bày bán thịt bị bệnh, thịt ôi và thịt ô nhiễm... Nghị định 32 vừa được Quốc hội thông qua quy định người sản xuất thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm có trách nhiệm đảm bảo ATVSTP theo các tiêu chuẩn được hướng dẫn. Liên bộ: Y tế, NNPTNT và Công Thương có trách nhiệm quản lý, kiểm soát ATVSTP từ giết mổ tới bày bán ở các chợ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/thit-ban-dang-tra-tan-suc-khoe-nguoi-tieu-dung/111531.bld