Thịnh soạn ‘tiệc’ mừng Đại lễ

(Toquoc) – Có thể nói, chưa bao giờ người dân Hà Nội lại có cơ hội được thưởng thức một bữa tiệc văn hóa, giải trí phong phú đến vậy. Người dân mừng cũng nhiều mà lo cũng không ít.

Không bội thực Hàng trăm hoạt động văn hóa, giải trí sẽ diễn ra tại các quận trung tâm cũng như ngoại vi TP Hà Nội từ nay tới 10/10. Tới thời điểm này, một số đoàn nghệ thuật các nước vẫn tiếp tục đăng ký xin vào biểu diễn dù hiện tại đã có 18 đoàn có chương trình. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long cho hay, chiều nay, Hà Nội sẽ tổng duyệt chương trình khai mạc Đại lễ sáng 1/10. Trước đó, tối 28/9, chương trình nghệ thuật đêm 1/10: Đêm Hồ Gươm lung linh, trình diễn áo dài truyền thống quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng đã được tổng duyệt. Sẽ có năm sân khấu chính tại khu vực Hồ Gươm (Ảnh: D.Nguyên) Tới thời điểm này, có một số chương trình đã đăng ký nhưng phải hủy bỏ. Đó là chương trình Cổ Loa, huyền thoại lịch sử do Hội Nghệ sĩ sân khấu đảm nhận nhưng do không kêu gọi được xã hội hóa nên đã không thực hiện. Một chương trình khác cũng hủy đó là Tuần lễ sáng đèn sân khấu. Riêng về chương trình Festival cầu Long Biên, đây không phải là chương trình chính thức của Đại lễ lần này. Ông Long cho biết, Sở cũng không yêu cầu đơn vị xây dựng phải dừng mà yêu cầu đơn vị tổ chức viết lại kịch bản nếu tiếp tục tổ chức vào thời gian sau Đại lễ. Theo kịch bản, phần hội ngày khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội 1/10 sẽ diễn ra tại 5 sân khấu quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Cách mạng Tháng 8. Sân khấu 1 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, biểu diễn chủ đề “Thăng Long Hà Nôi thành phố lịch sử truyền thống anh hùng”. Sân khấu 2 tại đền Bà Kiệu, chủ đề “Thăng Long- Hà Nội, Thủ đô văn hiến”. Sân khấu 3 tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chủ đề “Thăng Long- Hà Nội, thành phố vì hòa bình”. Sân khấu 4 tại ngã ba Lê Thái Tổ, chủ đề “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”. Sân khấu 5 tại ngã tư phố Hàng Khay- Tràng Tiền- Đinh Tiên Hoàng- Hàng Bài, chủ đề “Hà Nội, trái tim của cả nước”. Trước những ý kiến lo ngại quá nhiều sự kiện diễn ra cùng một thời điểm sẽ dẫn tới việc “phá nhau”, ông Long cho hay, Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện quanh Hồ Gươm trong cùng một thời điểm, hai sân khấu gần nhất là sân khấu đền Bà Kiệu và sân khấu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ không phá nhau về âm thanh. Ông Long cũng cho biết, tuy nhiều chương trình diễn ra trong 10 ngày nhưng mỗi người dân sẽ chọn xem các chương trình khác nhau, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của từng người. “Riêng người dân khu vực diễn ra các buổi biểu diễn lớn sẽ khó tránh được sự phiền toái bởi nhiều tiếng ồn. Tôi hy vọng người dân có sự chia sẻ với TP” – ông Long nói. Chưa dám khẳng định chất lượng chương trình Trả lời câu hỏi của Điện tử Tổ Quốc về chất lượng các chương trình, hay các chương trình “ăn theo” Đại lễ, ông Long bày tỏ quan điểm: “Dù đã duyệt qua các chương trình nhưng chưa dám nói chất lượng sẽ như thế nào nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tạo không khí, không có khoảng cách giữa khán giả và người xem”. Theo ông Long, mỗi một chương trình sẽ tuân theo một trình tự: có kịch bản, kịch bản chi tiết, trình Hội đồng thẩm định, công bố. Tuy vậy có những chương trình sẽ không tuân theo ý muốn. Ông ví dụ, các công ty tổ chức sự kiện luôn tìm cách lách luật, nơi nào khó cấp phép họ sẽ tìm tới nơi dễ cấp phép hơn, thay nghệ sĩ biểu diễn. “Các hội đồng chủ yếu thẩm định về nội dung, tính chính trị của chương trình, mặc dù chúng tôi biết có những sự kiện họ không làm đúng nhưng đành phải cho diễn vì sự nể nang… Việc này cần khắc phục từ từ và có sự xắn tay của nhiều cơ quan” – ông Long phân trần. Một sự kiện gần đây được ông Long nhắc đến đó là Triển lãm văn minh lúa nước sông Hồng để chứng minh cho các hoạt động “ăn theo” Đại lễ. Nhiều người xem triển lãm đã thi nhau dẫm lên lưng những con rùa trong triển lãm. Ông Long cho biết, Sở không đồng tổ chức sự kiện này nhưng đơn vị tổ chức vẫn treo tên. Chưa kể, khi duyệt kịch bản thì khác nhưng khi tổ chức lại khác. Việc làm phản cảm trên có trách nhiệm của đơn vị đứng ra tổ chức. Ngoài ra, ứng phó với thời tiết mưa diễn ra trong những ngày lễ lớn, ông Long cho biết, nếu mưa nhỏ, các sự kiện ngoài trời vẫn diễn ra bình thường. Nếu mưa to, lễ mít tinh sẽ chuyển vào Trung tâm hội nghị quốc gia và cắt đi một số nội dung như lễ dâng hương, thả chim bồ câu… Theo ông Phạm Quang Long, tại Lễ khánh thành Bảo tàng Hà Nội trước ngày khai mạc Đại lễ, Hà Nội sẽ ra mắt sản phẩm gửi mai sau. Đó là văn bản bằng đồng nguyên chất hình quyển sách, rộng 63 cm, dài 95 cm đặt trong hộp kính hút chân không. Nội dung văn bản này được giữ bí mật đến khi được mở sau 100 năm và đặt tại Bảo tàng Hà Nội. Nội dung văn bản đã có sự góp ý, xây dựng của nhiều nhà văn hóa, chuyên gia. Song Đào

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Thinh-Soan-Tiec-Mung-Dai-Le.html