Thiếu vốn di dời người dân thuộc dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt: Tỉnh Bắc Kạn 'cầu cứu' Chính phủ!

Việc di dời và tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt là cần thiết và cấp bách khi mùa mưa lũ cận kề, tuy nhiên, nguồn kinh phí bồi thường là “quá sức” đối với một tỉnh khó khăn nhất cả nước như Bắc Kạn. Bởi vậy, địa phương đã khẩn thiết “cầu cứu” Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí nhằm sớm bồi thường ổn định cuộc sống cho người dân.

Dự án ỳ ạch…

Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư theo Quyết định 2926/QĐ-BNN-XD ngày 15/10/2009 có tổng mức đầu tư gần 475 tỷ đồng, gồm hai hợp phần. Hợp phần đường quản lý, bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư do UBND thành phố Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Hợp phần xây dựng do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 2 (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) là chủ đầu tư.

Theo đó, có 472 hộ dân thuộc ba thôn Bản Pẻn, Bản Bung, Nà Pài của xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn) bị ảnh hưởng, trong đó có tổng số 155 hộ phải di dời với 775 nhân khẩu. Lệnh di dời đồng nghĩa với việc người dân các thôn phải giữ nguyên hiện trạng, không được làm mới, sửa chữa nhà cửa, công trình phụ…

Cũng bởi vậy, đã kéo theo hệ lụy rất lớn ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân thuộc khu vực lòng hồ thuộc diện di dời do dự án phải dừng triển khai trong thời gian dài theo chương trình thực hiện cắt giảm đầu tư công. Theo người dân sở tại, tiến độ “rùa bò” của dự án đã đẩy các hộ dân vào cảnh sống tạm bợ, thiếu việc làm, thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, nhà cửa dột nát, không thể ổn định cuộc sống…

Thêm vào đó, do sinh sống gần khu vực công trường xây dựng hồ Nặm Cắt nên thường xuyên phải hít bụi bặm mù mịt vào những ngày nắng; còn mưa thì đường lầy lội, nhếch nhác bùn đất. Nhưng nỗi lo lớn và thường trực của người dân là việc dòng sông Nặm Cắt đang ngày bị thu hẹp và khi mùa mưa lũ cận kề, nước trên sông Nặm Cắt sẽ dâng cao, chảy mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cuốn trôi nhà cửa, tài sản của người dân.

Đến nay cả khu tái định cư mới chỉ có gần 10 hộ dựng nhà

Sau nhiều năm “án binh bất động”, cuối năm 2015, dự án được tái khởi động. Nhưng lại thêm một lần nữa đẩy người dân vào cảnh “đi chẳng được, ở cũng không xong”. Bởi, theo họ ở khu tái định cư mới Khuổi Kén, thôn Phặc Tràng có nhiều bất cập do điểm làm nhà taluy dương quá cao, dốc, nguy cơ sạt lở mất an toàn,… người dân không có nguồn thu nhập trong khi đất nông nghiệp canh tác hạn hẹp, phải mua giá cao. Điều người dân quan ngại hơn, đó là tiền bồi thường cho các hộ dân đến nay tỉnh Bắc Kạn còn chưa thể chi trả đủ thì việc thực hiện hạ tầng khu tái định cư biết đến bao giờ cho xong để các hộ dân an tâm chuyển đến sinh sống.

Vì vậy, khu tái định cư Khuổi Kén có diện tích rộng 34,5 ha để có thể chuyển khoảng 150 hộ đến sinh sống, hiện đã giao đất làm nhà chỉ 39 hộ; số hộ đã bốc thăm nhận vị trí và chuẩn bị giao đất đợt 2 là 43 hộ nhưng, đến nay cả khu tái định cư mới chỉ có gần 10 hộ dựng nhà.

Tỉnh “cầu cứu” Chính phủ

Trước thực trạng trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 5967/VPCP-NN ngày 8/6/2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc kiểm tra thông tin báo chí nêu về việc chậm trễ thực hiện dự án hồ chứa nước Nặm Cắt ở tỉnh Bắc Kạn; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Qua đó UBND tỉnh Bắc Kạn đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, cho biết: Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Ngày 15/12/2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT có chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư Hợp phần đường quản lý, bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư tại Văn bản số 10147/BNN-XD, tái khởi động dự án hồ chứa nước Nặm Cắt. UBND TP. Bắc Kạn được giao thực hiện Hợp phần bồi thường, hỗ trợ và TĐC của dự án với kinh phí là 202,99 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí được giao, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo thành phố thực hiện giải ngân được 202,72 tỷ đồng, thu hồi 808.427m2 đất trên tổng số diện tích 1.488.683m2 cần thu hồi, đã bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 2 thực hiện đạt trên 80% khối lượng xây lắp, trong đó hoàn thành các hạng mục: Đường khởi công kết hợp quản lý, đường dây và trạm biến áp, nhà quản lí, cống dẫn dòng và khoan phụt xử lý nền, chỉ còn hạng mục đập đất chặn dòng tích nước chưa thi công.

Nguyên nhân chưa thi công được hạng mục đập đất chặn dòng tích nước là do các hộ dân trong khu vực lòng hồ chưa di chuyển ra khu tái định cư, tổng số có 155 hộ gia đình, cá nhân cần phải di dời nhưng đến nay đã thực hiện bồi thường GPMB cho 90 hộ, còn 65 hộ chưa có kinh phí bồi thường do phần vốn còn thiếu của hợp phần bồi thường, hỗ trợ và TĐC khoảng 317 tỷ đồng.

Hiện tại, trong số 90 hộ đã được bồi thường có 23 hộ gia đình nằm trong khu vực lòng hồ có nguy cơ ngập úng cao trong mùa mưa lũ 2017, mặc dù đã được bồi thường đất ở, tài sản trên đất và giao đất khu TĐC nhưng các hộ chưa di chuyển với lý do còn phần ruộng, vườn rừng, cây cối… trong chỉ giới GPMB lòng hồ chưa được bồi thường nên chưa đủ kinh phí để làm nhà.

Nhiều hộ dân chưa di dời do chưa nhận đủ tiền đền bù

UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo UBND thành phố vận động các hộ dân sớm có kế hoạch di dời, trước mắt làm lán trại để chuyển người và tài sản ra khu TĐC đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước mùa mưa lũ nhưng các hộ chưa nhất trí di chuyển. UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã xem xét khả năng cân đối ngân sách địa phương để bồi thường trước cho các hộ dân. Tuy nhiên, với đặc điểm là một trong những tỉnh khó khăn nhất nước, thu ngân sách hàng năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chi nên việc cân đối bồi thường với kinh phí 17,57 tỷ đồng vượt quá khả năng của tỉnh.

Qua đó, tỉnh Bắc Kạn đã “cầu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét bố trí nguồn kinh phí trên để thực hiện bồi thường trước cho 23 hộ dân.

Được biết, do không giải phóng được mặt bằng, việc di chuyển các hộ dân vùng lòng hồ ra khu tái định cư không đúng tiến độ, đã ảnh hưởng tới việc thi công Hợp phần xây dựng hồ chứa do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. (theo kế hoạch thì sẽ chặn dòng, tích nước vào đầu năm 2016 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2017).

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tinh-bac-kan-cau-cuu-chinh-phu/183913