Thiếu hụt phù sa nghiêm trọng sẽ khiến ĐBSCL sụt lún và chìm nhanh

Trong khi ĐBSCL đang thiếu nguồn nước chưa có giải pháp thì một mối lo nữa cũng rất cấp thiết đó là việc thiếu hụt phù sa.

Thiếu phù sa rất nguy hiểm sẽ không có nguy cơ phục hồi

Trao đổi với Dân Việt bên lề buổi tọa đàm “Vấn đề hạn, mặn ở ĐBSCL năm 2016: Hiện trạng – tác động – giải pháp” tổ chức vào ngày 1/4, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, tác động lớn của các đập thủy điện của Trung Quốc đến ĐBSCL không phải là lượng nước mà là làm giảm 50% lượng phù sa về ĐBSCL. Nếu 11 đập khác ở vùng hạ lưu tiếp tục được xây dựng thì 50% lượng phù sa còn lại sẽ không về đến ĐBSCL.

Thiếu hụt phù sa khiến ĐBSCL sẽ sụt lún dần. (Ảnh: Dân Việt)

Theo Thạc sĩ Thiện: “ĐBSCL được hình thành bởi lượng phù sa (bùn, cát,…) từ dòng sông Mekong trong 6.000 năm qua. Tuy nhiên, lượng phù sa ngày càng giảm dần, từ 160 triệu tấn phù sa/năm xuống chỉ còn phân nửa. Tình trạng này sẽ làm đảo ngược quá trình kiến tạo và gây sạt lở bờ biển, khiến ĐBSCL trở thành… tấm giẻ rách trong vòng 1 thế kỷ nữa”.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, lớp phù sa như áo giáp che chắn, bảo vệ đất ven biển, làm giảm bớt tác động sóng đánh. Lượng phù sa thiếu hụt, áo giáp sẽ bị hỏng, nước biển tấn công mạnh làm sạt lở nhanh hơn. Ngoài ra, thiếu hụt lượng phù sa còn làm cho ĐBSCL sụt lún đất, chìm nhanh.

Về vấn đề trên, TS. Dương Văn Ni – Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH.Cần Thơ) nêu quan điểm, thiếu phù sa sẽ rất nguy hiểm, sẽ là “cái kết không có gì để đỡ”.

Còn PGS. Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thì thông tin, nhiều năm trước đây ở trạm Tân Châu (An Giang) nơi đầu nguồn vào ĐBSCL còn thấy những dấu hiệu lượng của phù sa về nhưng vài năm gầy đây thì không thấy nữa.

PGS. Lê Anh Tuấn cho rằng, thiếu nước ngọt còn có cơ hội bổ sung từ mưa, còn vấn đề sụt lún do thiếu phù sa thì rất nguy hiểm, không có cơ may phục hồi…

Về vấn đề hạn - mặn, ông Tuấn cho rằng trong lịch sử không phải không có những năm thiếu hụt lượng nước như năm nay nhưng vì sao trước đây mặn xâm nhập nhiều nhất chỉ khoảng 60km nhưng năm nay lại khoảng 90km.

Hạn hán, xâm nhập mặn còn kéo dài đến hết tháng 6. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tuổi Trẻ cũng dẫn lời ông Tuấn, trước đây ĐBSCL có hai vùng trũng lớn nhất là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên trữ nước mùa mưa và khi mùa khô thì nước này sẽ chảy về hạ lưu để đẩy mặn.

Tuy nhiên hiện nay khi phát triển lúa ba vụ, các tỉnh làm đê bao, điều này làm giảm không gian trữ nước ở hai khu vực trên, hiện không còn đủ nước để điều tiết.

Ông Tuấn đề nghị ngoài yếu tố bên ngoài cần xem xét lại yếu tố bên trong từ việc làm giảm thoát nước tự nhiên như đã nêu.

Thiệt hại do hạn, mặn chưa dừng lại ở con số hơn 300 tỷ

Tin tức trên báo Cần thơ, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, đến trung tuần tháng 3, ước tổng thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn (XNM) toàn vùng ĐBSCL khoảng 320 tỉ đồng và có khoảng 156.500ha lúa, 12.000ha thủy sản có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề.

Hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ kéo dài đến tháng 6/2016. Thiên tai, nhân tai và sự chủ quan khiến cư dân ĐBSCL đã và đang phải trả giá. Bởi chắc chắn rằng, con số thiệt hại sẽ không dừng lại ở đây.

GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, cho biết: Năm 2015, do ảnh hưởng El Nino nên mùa mưa đến trễ nhưng lại kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, 2 yếu tố thượng lưu chi phối chủ đạo đến nguồn nước, XNM ở ĐBSCL là trữ lượng nước trong Biển Hồ và dòng chảy đến đầu châu thổ Mê Kông.

Vì vậy, năm 2015 lũ nhỏ dẫn đến dòng chảy chuyển tiếp đầu mùa khô từ thượng lưu chảy về ĐBSCL xuống ở mức cực thấp - ở mức lịch sử và ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.

Tuy dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL đầu tháng 2 có gia tăng đột biến nhưng không duy trì. Đến những ngày cuối tháng 2 dòng chảy thượng lưu có xu thế tăng nhưng không đáng kể. Do vậy, xâm nhập mặn trên ĐBSCL từ tháng 3 đến hết mùa khô có khả năng duy trì ở mức cao và hết sức nghiêm trọng.

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/thieu-hut-phu-sa-khien-dbscl-se-sut-lun-chim-nhanh-a139514.html