Thiếu cơ sở pháp lý hoạt động: Công ty tài chính lâm vào thế bí

Chỉ còn 1 tháng nữa, quy định "áp trần lãi 20%" sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nội dung chưa rõ ràng khiến công ty tài chính (CTTC) có thể gặp nhiều khó khăn trong hoạt động cho vay tiêu dùng,

Chỉ còn 1 tháng nữa, quy định "áp trần lãi 20%" sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nội dung chưa rõ ràng khiến công ty tài chính (CTTC) có thể gặp nhiều khó khăn trong hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt là đối với điều khoản "trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác" đã được quy định tại Điều 468, Luật Dân sự sửa đổi năm 2015.

Không thể “cho vay lấy lỗ”

Một năm trở lại đây, các CTTC như “ngồi trên đống lửa” khi Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Trước đó, quy định áp trần lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Bộ luật Dân sự 2005 đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), để tháo gỡ khó khăn, ở nhiệm kỳ trước Quốc hội đã ra nghị quyết "cởi trói" nhằm tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động trong cơ chế thị trường. Tương tự, với việc áp trần lãi suất xuống mức 20% tại Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 cũng đã khiến cho nhiều CTTC rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" vì luật "chồng" luật.

Không chỉ vậy, quy định này cũng gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận. Bởi Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có quy định: "TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”. Theo phân tích của giới chuyên gia kinh tế, nếu Bộ luật Dân sự sửa đổi 2015 cố định 20%/năm của khoản vay để áp dụng cho các TCTD, mâu thuẫn với quy định nêu trong Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, sẽ không phù hợp với nên kinh tế thị trường nếu áp trần lãi suất cứng cả với các TCTD. Giả sử lạm phát lên cao tới trần thì ngân hàng sẽ phải xử lý ra sao? Và nếu áp trần 20% với các TCTD thì ngay trong hoàn cảnh hiện nay, hàng loạt các hoạt động dịch vụ tín dụng đặc thù đang triển khai như cho vay tiêu dùng, tài chính vi mô… sẽ lập tức "phá sản". Bởi vì, tính tất cả các chi phí thì "đầu vào" của loại hình tín dụng này đã lên đến 20%, thậm chí là hơn, trong khi các TCTD thì không thể "cho vay lấy lỗ".

Quy định chung chung, chưa rõ ràng

Không chỉ đóng khung mức trần lãi suất cho vay, Bộ luật Dân sự sửa đổi 2015 còn bổ sung thêm điều khoản "trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác".

Các CTTC cũng không biết đối tượng mà điều này này hướng đến là ai. "Trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác" liệu có phải là một cách cởi trói cho hoạt động vay tiêu dùng của CTTC hay không? Các CTTC chưa thể khẳng định, bởi cho đến nay vẫn chưa có một văn bản cụ thể nào hướng dẫn cụ việc thực thi Bộ luật Dân sự 2015.

Phân tích về vấn đề trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động vay mượn dân sự giữa các cá nhân với nhau, vay mượn thỏa thuận "tín dụng đen" hoàn toàn khác với cơ chế vay mượn của khối các TCTD. CTTC vay mượn thỏa thuận trên cơ sở quy định của các luật chuyên ngành (Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...). Do vậy, các điều khoản quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 cần phải được hướng dẫn rõ ràng và xác định cụ thể về đối tượng điều chỉnh trong một văn bản hướng dẫn dưới Luật

Nói về mội dung "trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác", TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần thiết phải làm rõ nội hàm của từng điều khoản nêu trong Bộ luật Dân sự 2015.

“Chúng ta nên hiểu rằng, quy định trần lãi suất cho vay 20%/năm chỉ được sử dụng nhằm điều chỉnh hoạt động tín dụng phi chính thức, khống chế nạn cho vay nặng lãi. Còn nội dung “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” đi kèm hàm với mức trần lãi suất 20% ý chỉ rằng, các TCTD sẽ được cho vay theo lãi suất thỏa thuận theo quy định của Luật Các TCTD”, TS. Cao Sỹ Kiêm phân tích.

Một số nhà nghiên cứu luật khác cũng cho rằng, việc "trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” có nghĩa đã cho phép các TCTD tiếp tục thực hiện lãi suất thỏa thuận như trước đây theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự 2015 không tác động đến hoạt động cho vay của các TCTD.

Có thể thấy, thời gian qua, hoạt động tài chính Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, tuy nhiên, việc "luật chồng luật", chưa rõ ràng đã khiến cho nhiều CTTC băn khoăn không biết hành lang quy định cho các hoạt động lĩnh vực này như thế nào. Do vậy, để thu hẹp thị trường tín dụng phi chính thức, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, bên cạnh việc ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể cho hoạt động vay tiêu dùng. Khi đó, thị trường vay tiêu dùng sẽ phát triển theo hướng lành mạnh, hiệu quả, cung cấp tối đa các dịch vụ tín dụng tốt nhất đến đa số người dân.

Mộc Miên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thieu-hanh-co-so-phap-ly-hoat-dong-cong-ty-tai-chinh-lam-vao-the-bi-post215120.info