Thiếu cơ chế xử lý tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam rất khó tìm nguồn thay thế nhiệt điện than trong ngắn hạn, nên vấn đề quan trọng là phải giải quyết được vấn đề chất thải gây ô nhiễm.

Quan điểm này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, giảm tỷ lệ nhiệt điện than là không hề đơn giản trong bối cảnh Việt Nam đang khó tìm nguồn thay thế. Trong nhóm các nhiên liệu truyền thống thì nhiệt điện than vẫn được đánh giá là tăng trưởng nhanh và rẻ nhất khi chiếm khoảng 50% tỷ trọng về công suất và sản lượng.

“Năng lượng tái tạo sạch nhưng chi phí đầu tư lớn, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên không thể điều chỉnh được theo yêu cầu”, Tiến sĩ Hiến bình luận.

Ông Hiến dẫn số liệu, nếu khả năng sản xuất của nhà máy điện mặt trời khoảng 20%, các nhà máy điện gió là 30% thì nhiệt điện than là 80%. “Vì thế, xét về công suất thì xây 4 nhà máy năng lượng mặt trời hoặc 3 nhà máy điện gió mới cho công suất điện bằng một nhà máy nhiệt điện”, ông Hiến nói. Chưa kể, giá thành đầu tư nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo cao gấp vài lần so với nhiệt điện than.

Vấn đề đau đầu nhất của các dự án nhiệt điện than hiện nay được Tiến sĩ Hiến chỉ ra là xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó căn cơ là xử lý tro xỉ - chất thải trong sản xuất.

Bác quan điểm cho rằng tro xỉ là chất thải độc hại, Giáo sư Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam nhấn mạnh, điều này không đúng. Theo ông, tro xỉ còn được coi là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất phục vụ xây dựng. Để giải quyết vấn đề môi trường cho các nhà máy nhiệt điện, phải tận dụng hết lượng tro xỉ, tro bay để làm vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung... Đây là biện pháp triệt để và duy nhất để xử lý vấn đề môi trường của các nhà máy nhiệt điện đốt than.

“Giờ có nguyên liệu để làm gạch mà không làm được là lãng phí. Chúng ta hoàn toàn có thể có cơ chế yêu cầu các tổng công ty xây dựng sử dụng gạch sản xuất từ tro bay”, ông Nghĩa lưu ý.

Khu xử lý tro xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1.

Tuy nhiên, việc tận dụng tro xỉ để tái sản xuất lại đang vướng ở cơ chế. Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng An toàn sức khỏe và Môi trường thuộc nhà máy nhiệt điện Vũng Áng cho hay, dù Chính phủ và Bộ Xây dựng đã đưa ra những quyết định khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy xi măng và sản xuất bêtông đầm lăn, nhưng hiện sự "bắt tay" này đang bị chững lại.

Nguyên nhân được ông Thanh chỉ là, nhiều nhà máy xi măng khi bắt đầu xây dựng đã không nêu rõ việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu đầu vào để sản xuất, do vậy việc xin phép sẽ rất mất thời gian.

“Gần đây, nhiệt điện Vũng Áng phải đình lại việc cung cấp tro xỉ, nếu không cho vận chuyển đi sẽ nguy cơ phải đóng cửa nhà máy”, ông Thanh nói.

Vị này đề nghị các bộ, ngành cần sớm xem xét và tháo gỡ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng để giải phóng lượng chất thải đang bị tồn” ông Thanh nói.

Cũng nêu những điểm vướng trong xử lý chất thải tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét ban hành hoặc cho phép áp dụng một số tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện than để sản xuất vật liệu xây dựng...

Giáo sư Trương Duy Nghĩa thì lưu ý, để đảm bảo môi trường trong sản xuất, các nhà máy nhiệt than không nên thải tro xỉ ra bãi bằng phương pháp khô và không dùng nước biển khử tro xỉ. Ông đề nghị các bộ, ngành đưa ra chính sách yêu cầu tất cả các nhà máy nhiệt điện phối hợp trong việc tái sử dụng tro bay, có thể quy định bằng pháp lệnh để ràng buộc chứ không phải doanh nghiệp thích thì làm, không thì thôi như hiện nay.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/thieu-co-che-xu-ly-tro-xi-tai-cac-nha-may-nhiet-dien-than-90340/