Thiếu chất xám, nông sản 'đất 9 rồng' bị lép vế

ĐBSCL được xem là vựa lúa, thủy sản và cây ăn trái của cả nước. Tuy nhiên, việc đầu tư khoa học, công nghệ (KHCN) có quy mô lớn vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa xứng tầm. Vì lẽ đó, các sản phẩm làm ra của vùng có sức cạnh tranh rất yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Doanh nghiệp ngoại “thâu tóm” công nghệ

Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho biết: “Thời gian qua, KHCN đã giúp nông dân tăng năng suất lúa, sản xuất thành công cá giống… Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, KHCN chưa có sự đóng góp đáng kể, như sản xuất giống gia cầm, công nghệ thu hoạch… và phần lớn bị “thâu tóm” bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài”.

Phần lớn máy móc, thiết bị trong sản xuất lúa đều nhập từ nước ngoài (Ảnh: Người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa). Ảnh: H.X

Theo Vụ KHCN (Bộ NNPTNT), nhờ đóng góp của KHCN, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,13%. Đến nay, cả nước đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: Gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ.

Ông Hiệp phân tích, ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung là nơi có ngành chăn nuôi gia cầm lớn. Tuy nhiên công đoạn sản xuất giống đang còn rất nhiều vấn đề rất đáng lo ngại khi chịu sự chi phối chủ yếu bởi 3 “ông lớn” là Japfa, CP và Emivest, với mỗi tháng cung cấp hơn 6 triệu con giống cho bà con nông dân.

Còn ở lĩnh vực giống cây ăn trái, ông Hiệp cho rằng, khi chọn cây giống, thay vì nghĩ đến những giống cây trồng đặc trưng của Việt Nam, phần lớn người nông dân ĐSBCL chọn các giống nông sản của Thái như chôm chôm, nhãn, xoài, mít… bởi chất lượng sản phẩm của giống ngoại ngon hơn nhiều so với sản phẩm trong nước.

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, một chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp ở ĐBSCL cho rằng: “Việt Nam là nước đứng trong top 3 thế giới về xuất khẩu gạo và cũng xuất khẩu đáng kể khối lượng thủy sản, cà phê, cao su… Tuy nhiên, giá bán các loại nông sản này vẫn thấp vì ít đầu tư chất xám, ứng dụng KHCN quá thấp, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa được nâng cao, chưa xây dựng được thương hiệu, từ đó kéo theo lợi tức của nông dân thấp”.

“Ở ĐBSCL, có đến 80% máy móc khâu làm đất là của doanh nghiệp ngoại; 60% máy phục vụ bơm tưới và 85% máy thu hoạch phải nhập từ nước ngoài” – GS Xuân thống kê.

Cần chiến lược mạnh mẽ

Ngoại trừ giúp gia tăng phần nhỏ về năng suất, thực tế cho thấy việc áp dụng KHCN ở ĐBSCL vẫn chưa tạo được sức bật đáng kể cho ngành này. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, phải có những chính sách khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy phát triển KHCN vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam nhận định: “Trong bối cảnh hội nhập sâu, việc nghiên cứu, tiếp cận và đổi mới KHCN là rất cần thiết. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ kinh phí trong nghiên cứu lai tạo đối với đơn vị nghiên cứu và trong sản xuất giống mới đối với người dân. Ngoài chính sách chung của Chính phủ, các địa phương cũng nên có những chính sách riêng, đặc thù trong lĩnh vực này”. GS Xuân cũng cho rằng: “Cần có chiến lược ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp bài bản hơn và mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có liên kết giữa doanh nghiệp với HTX để dễ dàng áp dụng KHCN”.

Song song đó, theo góp ý của các chuyên gia nông nghiệp, để tăng hàm lượng chất xám và KHCN, nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất, phải trở thành “nông dân kiểu mới”, không sản xuất theo ý mình, theo kinh nghiệm mà phải tuân thủ quy trình sản xuất khép kín, về phía doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa khâu xây dựng thương hiệu và có uy tín trên thương trường.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/thieu-chat-xam-nong-san-dat-9-rong-bi-lep-ve-696991.html