Thiết thực đổi mới và hành động

Sau hơn một tháng làm việc nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, sáng 23-11, Quốc hội đã họp phiên bế mạc, hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2. Nét nổi bật trong kỳ họp này là Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo; thẳng thắn thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

“Nhấn nút” các kế hoạch phát triển

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét, thông qua ba luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 14 dự án luật khác. Đồng thời, Quốc hội cũng đã xem xét, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 với tinh thần khách quan, ghi nhận những thành tựu và thẳng thắn rút kinh nghiệm những mặt hạn chế.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua các Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Khắc phục những hạn chế, những vấn đề tồn đọng, rút kinh nghiệm từ các kỳ họp trước; đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định có hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Quốc hội cũng đã xem xét báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Các ĐBQH đã phân tích, đánh giá toàn diện những mặt được, chưa được của công tác tư pháp và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong năm qua, kiến nghị những giải pháp thiết thực để khắc phục những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, trong các phiên thảo luận, chất vấn, các ĐBQH đã tích cực thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của đất nước như: điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng đầu tư thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của một số dự án; nợ công đang ở mức cao, công tác xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu; những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, quản lý đô thị, môi trường, tệ nạn xã hội, kỷ luật hành chính chậm được khắc phục; tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng…

Đây cũng là những vấn đề đặt ra đòi hỏi các bộ, ban, ngành chức năng sớm vào cuộc xử lý, giải quyết. Mỗi ĐBQH qua thực tiễn mà tự vấn trách nhiệm, thường trực trong mình tinh thần “dĩ công vi thượng”, biết trăn trở điều nhân dân trăn trở để thực thi chức trách.

Bám sát đòi hỏi của thực tiễn

Theo kế hoạch, hai dự án Luật về hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 trình Quốc hội xem xét thông qua; nhưng qua thảo luận, lắng nghe ý kiến các đại biểu và cử tri, trên cơ sở cân nhắc kỹ, Quốc hội quyết định chưa thông qua hai dự án luật tại kỳ họp này để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

Tương tự, với sự xem xét thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng về các điều kiện bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Với tỷ lệ tán thành cao (95,54%), Nghị quyết về Chất vấn và trả lời chất vấn được Quốc hội thông qua với nhiều điểm nhấn mạnh đến công tác cán bộ. Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ, gây hậu quả nghiêm trọng. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những nội dung thể hiện chính kiến của Quốc hội nhận được sự đồng tình của đông đảo cử tri. Qua đó cũng là bài học răn đe cho những cán bộ đương chức, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, bên cạnh các nội dung chính của kỳ họp, Quốc hội còn triển khai một số hoạt động đầu nhiệm kỳ khóa XIV có ý nghĩa quan trọng như: ra mắt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, Nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước và một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.

Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau kỳ họp, đề nghị các ĐBQH kịp thời báo cáo cử tri kết quả kỳ họp; chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Cùng với đó, Quốc hội cũng yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được thông qua; tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý và chỉ đạo điều hành. Có như thế, mới tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, đưa đất nước tự tin hội nhập.

Trước những yêu cầu mới của sự phát triển, cử tri và nhân dân cả nước càng đòi hỏi cao ở chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, chất lượng đại biểu nói riêng. Đặc biệt, bằng nhiều kênh giám sát khác nhau, người dân sẽ buộc các thành viên Chính phủ phải thực thi nghiêm túc lời hứa của mình; buộc mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nỗ lực làm tròn trách nhiệm. Nếu không như thế, sớm muộn những người không xứng đáng cũng sẽ bị đào thải.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/31371202-thiet-thuc-doi-moi-va-hanh-dong.html