Thiết lập công bằng trong thu chi ngân sách địa phương

Công bằng thu chi ngân sách địa phương (NSĐP) tiếp tục là chủ đề tranh luận khi gánh nặng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đều dồn lên vai hơn một chục tỉnh, thành phố có số điều tiết về ngân sách trung ương (NSTƯ), còn phần lớn các địa phương còn lại đều trong tình trạng thu không đủ chi nên phải nhận bổ sung cân đối từ NSTƯ, thậm chí với quy mô bổ sung cân đối rất lớn.

Tình trạng thiếu công bằng thu chi NSĐP càng thêm trầm trọng và không có lối thoát do đã kéo dài hàng chục năm và thể hiện ngay trong dự toán thu chi NSNN năm 2016. Điều này không chỉ khiến nhiều địa phương phụ thuộc vào NSTƯ, thiếu chủ động trong tăng thu NSNN và tiết kiệm, tăng hiệu quả chi NSNN, mà còn giảm động lực thực hiện dự toán thu chi NSNN của chính các tỉnh, thành phố thường xuyên tự cân đối được ngân sách và có số điều tiết về NSTƯ.

Theo dự toán NSNN năm 2016, trong số 63 địa phương, vẫn chỉ có 13 địa phương có tỷ lệ điều tiết cho nên không nhận bổ sung cân đối từ NSTƯ là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ. Trong tổng số thu dự toán NSNN năm 2016 là hơn một triệu tỷ đồng thì 14 tỉnh miền núi phía bắc đóng góp vỏn vẹn hơn 3,6%; 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ đóng góp được hơn 4,5%. Còn cả 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung đóng góp gần 11%, riêng năm tỉnh Tây Nguyên có tỷ lệ đóng góp vào thu NSNN thấp nhất, chỉ chưa đầy 1,4%.

Gánh nặng thu NSNN do vậy dồn lên vai sáu địa phương Đông Nam Bộ (đảm đương tới hơn 42% tổng thu NSNN) và 11 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng (hơn 30%). Chỉ riêng số thu NSNN của TP Hồ Chí Minh đã cao hơn nhiều so với số thu của toàn bộ 46 tỉnh, thành phố nằm ngoài vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Chênh lệch giữa tỉnh có số thu NSNN trên địa bàn thấp nhất (tỉnh Bắc Cạn) với tỉnh có số thu cao nhất (TP Hồ Chí Minh) lên tới gần 600 lần.

Sự thiếu công bằng trong thu chi NSĐP còn thể hiện ở tỷ lệ điều tiết về NSTƯ khi TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ điều tiết cao nhất: chỉ được giữ lại 23% tổng thu NSNN trên địa bàn cho NSĐP với gần 70 nghìn tỷ đồng, trong khi riêng TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng gần 27% tổng dự toán thu NSNN năm 2016. Hà Nội đứng trong nhóm có tỷ lệ điều tiết cao thứ hai (cùng với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) với tỷ lệ giữ lại NSĐP từ 40 đến 44% tổng thu NSNN trên địa bàn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân đối và thiếu công bằng trong thu chi NSĐP ở nước ta, trong đó nguyên nhân chủ yếu là mức độ tập trung kinh tế quá lớn vào một số trung tâm và khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các tỉnh, thành phố, giữa các vùng miền quá lớn. Đơn cử, riêng số lượng doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã chiếm gần một phần ba tổng số doanh nghiệp cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh cũng chiếm tỷ trọng gần một phần tư cả nước. Hàng loạt chỉ số kinh tế quan trọng khác như giá trị tổng sản phẩm trong nước, sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố này cũng chiếm tỷ trọng từ một phần tư đến một phần ba của cả nước. Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp nêu trên thì nguyên nhân gián tiếp là phân cấp NSNN giữa trung ương và địa phương còn bất cập, chưa khuyến khích tính chủ động của phần lớn địa phương trong thu chi NSĐP, giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào NSTƯ, đồng thời lại làm suy giảm động lực và điều kiện tăng thu cũng như nuôi dưỡng nguồn thu cho một số ít tỉnh, thành phố có khả năng tự cân đối ngân sách.

Rõ ràng, phân cấp thu chi NSNN cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện gắn với tiến trình cơ cấu lại thu chi NSĐP nói riêng và cơ cấu lại NSNN nói chung theo hướng công bằng, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khắc phục tình trạng mất cân đối quá mức và nâng cao tính chủ động sáng tạo của địa phương trong quản lý NSNN.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31461502-thiet-lap-cong-bang-trong-thu-chi-ngan-sach-dia-phuong.html