Thiệt hại do vệ sinh kém gây ra ở Việt Nam: Mất 2 triệu USD/ngày và hơn thế nữa...

GD&TĐ - Vệ sinh môi trường yếu kém không những làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng VUSTA, thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém gây ra ở Việt Nam là 2 triệu USD/ngày. Việc vệ sinh kém được biểu hiện bằng việc các hộ gia đình không có nước sạch và gia đình không có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Còi cọc do ở bẩn

Trong chuyến kiểm tra, thị sát 5 bệnh viện tuyến Trung ương gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đích thân kiểm tra nhà vệ sinh của Bệnh viện E. Đánh giá về nhà vệ sinh công cộng mới được đưa vào sử dụng ngày 19/12, Bộ trưởng Tiến nhận xét về cơ bản nhà vệ sinh sạch sẽ, không “mùi”.

Đặc biệt, ở đây còn có nhà tắm (nóng, lạnh) dành cho người nhà bệnh nhân. Bộ trưởng lưu ý, người trông coi nhà vệ sinh cần chú ý đến nước rửa tay/xà phòng rửa tay và giấy lau tay cho người bệnh/người nhà bệnh nhân.

Đồng thời các bồn rửa tay cần phải sạch sẽ, tránh để cáu bẩn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý bệnh viện cần hướng đến việc xây dựng môi trường BV xanh - sạch - đẹp để bệnh nhân ngày càng hài lòng hơn khi đến khám chữa bệnh.

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cả nước vẫn còn hơn 20 triệu người dân nông thôn chưa tiếp cận được với nhà tiêu hợp vệ sinh, 6 triệu người thường xuyên phóng uế bừa bãi. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan, điểm tham quan du lịch, nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng lớn đến điều kiện học tập, làm việc, chất lượng dịch vụ và sự phát triển kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết: Điều kiện vệ sinh kém đã dẫn đến tỷ lệ cao người mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi và các bệnh giun sán. 1/3 trường hợp tử vong ở trẻ em Việt Nam liên quan đến suy dinh dưỡng và điều này có liên quan mật thiết đến bệnh tiêu chảy và giun sán.

“Chưa kể hậu quả của ô nhiễm môi trường là những tác động tổng hợp tới sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân gây ra các xung đột xã hội; gây nên các thiệt hại về kinh tế; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên…” - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nói.

Một nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh trẻ em sống trong cộng đồng mà tất cả mọi người đều sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có chiều cao trung bình cao hơn 3,7cm so với trẻ em sống ở cộng đồng có nhiều người còn phóng uế bừa bãi và sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh.

Đầu tư vào công tác vệ sinh môi trường để cứu 20 triệu người

Theo ông Đào Văn Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), đầu tư vào công tác vệ sinh môi trường có ý nghĩa lớn với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ô nhiễm môi trường hiện đã trở thành vấn đề mang tính chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành và người dân là phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề ô nhiễm môi trường để có những hành động đúng trên tinh thần không đánh đổi môi trường lấy phát triển và sống phải có trách nhiệm với môi trường sống của mình.

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, việc đầu tư vào vệ sinh môi trường có ý nghĩa vô cùng lớn khi mỗi giờ có thể cứu được một người, mỗi ngày cứu được hai trẻ dưới 5 tuổi và nâng cao tầm vóc, trí tuệ của thế hệ tương lai.

Đó còn chưa kể, đầu tư vào vệ sinh môi trường sẽ ngăn chặn được 1.500 tấn phân tươi/ngày thải trực tiếp ra môi trường, nguồn nước. Cải thiện vệ sinh và xử lý nước thải để góp phần tạo nên môi trường sống bền vững.

Tuy nhiên, hiện công tác đầu tư cho vệ sinh môi trường còn gặp một số khó khăn nhất định do chưa có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương. Chưa có quy định, chế tài đủ mạnh để có thể chấm dứt phòng uế bừa bãi. Bên cạnh đó nhận thức của người dân về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh chưa cao.

Do vậy để cải thiện tình hình, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức, cần truyền thông để nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Quy trách nhiệm rõ ràng để lãnh đạo đơn vị, địa phương quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và bảo quản nhà vệ sinh tại các cơ quan, trường học, bệnh viện... Không để tình trạng các công trình vệ sinh bị xuống cấp, hư hỏng, trở thành mất vệ sinh.

“Cần tập trung hơn nữa cho xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa trong triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái… Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục để nâng cao kiến thức, giúp cộng đồng nhận thức được đầy đủ những tác động tiêu cực, những giá đắt mà con người phải trả do những hành động của mình gây ra đối với môi trường; tập trung thu hút sự quan tâm sâu rộng hơn nữa của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái” - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nêu quan điểm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/thiet-hai-do-ve-sinh-kem-gay-ra-o-viet-nam-mat-2-trieu-usdngay-va-hon-the-nua-2832783-b.html