Thiết bị nghe siêu nhỏ chực chờ vào phòng thi

Sắp tới kỳ thi THPT quốc gia 2017, tình hình kinh doanh các loại thiết bị tai nghe, thu phát tín hiệu loại nhỏ, 'giả dạng' khi sử dụng đang ngày càng trở nên phức tạp. Những người tìm tới loại thiết bị này chủ yếu có mục đích gian lận trong các kỳ thi. Trước tình trạng này, Công an TP.Hà Nội đã ra quân đấu tranh, xử lý vấn nạn trên.

Hàng loạt thiết bị siêu nhỏ được cảnh sát thu giữ. Ảnh: CAO NGUYÊN

Thu giữ cả “kho” thiết bị siêu nhỏ

Ngày 19.6, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết, vừa phát hiện và lập biên bản vụ việc 5 cá nhân có hành vi kinh doanh thiết bị tai nghe, thu phát tín hiệu kích thước nhỏ để phục vụ mục đích gian lận thi cử trên địa bàn thủ đô.

Theo tài liệu của cơ quan công an cung cấp, vào ngày 13.6, nam thanh niên Tống Ngọc Toàn (29 tuổi, trú xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang bán thiết bị tai nghe siêu nhỏ tại một quán cà phê trên địa bàn quận Thanh Xuân thì bị phát hiện và lập biên bản. Tại đây, cơ quan công an thu giữ 17 bộ tai nghe siêu nhỏ dạng vòng dây đeo cổ, 6 bộ tai nghe siêu nhỏ dạng ATM và 25 bộ dây nguồn điện, 25 bản mạch điện tử linh kiện để lắp đặt tai nghe siêu nhỏ.

Qua đấu tranh, Tống Ngọc Toàn khai nhận đã kinh doanh thiết bị tai nghe siêu nhỏ phục vụ mục đích gian lận thi cử từ tháng 7.2015 cho đến nay, thông qua các kênh website, diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội Facebook. Các thiết bị gồm tai nghe siêu nhỏ dưới dạng vòng cổ, bao gồm một cuộn dây bằng đồng đeo cổ (chức năng phát sóng), kết nối với một bảng mạch điện tử (thu, khuyếch đại âm thanh), mic đàm thoại gắn với điện thoại di động, nguồn điện sử dụng pin 9V và hạt nam châm kích thước 2,5mm (chức năng nhận sóng âm, làm rung màng nhĩ để tải âm thanh). Toàn tự sản xuất, lắp ráp trên cơ sở các mẫu có sẵn trên thị trường.

Loại thiết bị tai nghe siêu nhỏ dưới dạng thẻ ATM có kích thước tương đồng và in dòng chữ Mastercard trên thân để ngụy trang như thẻ ATM bình thường có khe cắm thẻ sim, kết nối không dây với 1 tai nghe loại nhỏ có kích thước 1cm (hoạt động như thiết bị nghe, gọi độc lập). Bộ thiết bị nghe lén giả dạng thẻ ATM với tai nghe nhỏ gọn được Toàn bán với giá 2,5 triệu đồng. Đây được cho là thiết bị nhỏ gọn, hiện đại nhất, khó phát hiện nhất. Trường hợp khi thí sinh đưa vào phòng thi thì giám thị ít để ý và rất khó phân biệt.

Loại thiết bị tai nghe siêu nhỏ dưới dạng thẻ ATM. Ảnh: CAO NGUYÊN

Không phổ biến nhưng khó khăn khi xử lý

Đại úy Đoàn Trọng Tài - Đội phó Đội 4 (Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao - PC50, Công an Hà Nội) - cho biết, trước kỳ thi THPT và kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn thành phố thì công an cũng đã có kế hoạch nắm tình hình, rà soát và chỉ đạo các đơn vị thực hiện bảo vệ một cách nghiêm túc và an toàn nhất.

Qua rà soát trên mạng phát hiện các đối tượng bán tai nghe siêu nhỏ, loại thiết bị này bán cho thí sinh sẽ gây khó khăn cho giám thị. Theo đại úy Tài, khi xác định được các đối tượng rao bán thiết bị gian lận, đơn vị tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, sau đó phối hợp với các đơn vị chức năng để tiến hành kiểm tra xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn, đại úy Tài chia sẻ, các đối tượng kinh doanh không có cửa hàng mà chủ yếu rao bán trên mạng. Việc buôn bán qua mạng thì các cá nhân chỉ liên lạc điện thoại với nhau hoặc chuyển qua bưu điện nên trong quá trình điều tra gặp rất nhiều
khó khăn.

Trước tình hình này, đơn vị đã đề xuất với Ban Giám đốc Công an Hà Nội có công văn kiến nghị gửi đến Sở GDĐT Hà Nội thông báo về phương thức, thủ đoạn của thí sinh sử dụng các tai nghe siêu nhỏ để phục vụ gian lận thi cử để có hình thức ngăn chặn. “Những loại này thì rất ít, và không kinh doanh rầm rộ, tuy nhiên so với những năm trước thì năm nay các sản phẩm được đối tượng chế tạo tinh vi, gọn nhẹ hơn nên khi thí sinh sử dụng thì giám thị rất khó phát hiện” - đại úy Tài nói thêm.

Ông Nguyễn Hữu Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT: Bộ GDĐT đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến, tập huấn thật kỹ để làm sao thí sinh thấy rằng khi vào phòng thi cần tập trung cao độ vào việc làm bài thi. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng quán triệt cán bộ coi thi làm đúng chức trách của mình để tạo nên sự công bằng, đảm bảo kết quả thi. Năm nay 1 phòng thi chỉ có 24 thí sinh với 2 cán bộ coi thi, 1 cán bộ giám sát từ trên xuống, 1 cán bộ giám sát từ dưới nhìn lên thì khó có thể xảy ra hiện tượng gian lận. Việc kiểm soát chặt chẽ và nghiêm túc cũng được thực hiện ngay từ khâu gọi thí sinh vào phòng thi. Nếu như 2 cán bộ này thực hiện theo đúng quy định thì hiện tượng vi phạm quy chế chắc chắn sẽ được hạn chế tối đa. Vì thế, trách nhiệm của cán bộ coi thi cần được nâng cao.

Công tác thanh tra cũng sẽ được thực hiện chặt chẽ. Theo quy chế, sẽ có thêm rất nhiều lực lượng giám sát ở từng điểm thi, tối đa 7 phòng thi có 1 giám sát. Thanh tra các sở, bộ cũng sẽ có quyền thanh tra tất cả các điểm thi để đảm bảo từ hội đồng thi đến giám thị, thí sinh thực hiện nghiêm túc. Năm nay, bộ đã thành lập 10 đoàn thanh tra của bộ cho kỳ thi. Thanh tra thi cũng sẽ thanh tra đột xuất mà không báo trước tới các điểm thi.Nói về việc sử dụng công nghệ cao trong thi cử, PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Chất lượng Bộ GDĐT - cho hay các phương tiện công nghệ cao hiện nay rất nhiều, rất rẻ và dễ mua, trong khi điều kiện hiện tại chưa thể áp dụng các kỹ thuật ngăn chặn thì cách tốt nhất là tăng cường trách nhiệm của cán bộ coi thi. H.NGUYỄN

CAO NGUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/thiet-bi-nghe-sieu-nho-chuc-cho-vao-phong-thi-675113.bld