Thiêng liêng phút tưởng niệm trên biển Trường Sa

Dẫu biết rằng vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh; hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt. Sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa của dân tộc. Trong không gian tĩnh lặng, thành kính này, mỗi chúng tôi không thể cầm lòng...

Ai đã một lần đến với Trường Sa đều không thể quên được giây phút thiêng liêng, rưng rưng khi tham gia lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa và lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hơn lúc nào hết, trong giây phút ấy, mỗi người dân đất Việt đều cảm nhận rõ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và khát khao bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Trong giờ phút thiêng liêng ấy, chúng ta cảm phục tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”...

Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Để lại phía sau là niềm tự hào và tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh trở về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm sao khỏa lấp đầy.

Cũng 28 năm qua, kể từ ngày Nhà nước ta thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (ngày 5/7/1989), các thế hệ cán bộ, chiến sỹ thuộc Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1- Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư, gác lại bao hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt này.

Chúng ta mãi không thể nào quên sức tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương vào những năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000 đã làm đổ một số nhà giàn....Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dâng hiến thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sỹ Hải quân, trở thành giá trị tinh thần quý giá, động viên, thôi thúc, nâng bước các thế hệ hôm nay và mai sau nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngọc Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thieng-lieng-phut-tuong-niem-tren-bien-truong-sa-55086.html