Thiên tuế! Vạn tuế!

Mới đây đọc báo thấy người ta khoe cây tuế đền Hùng có tuổi 700-800 năm. Tôi đã đi hỏi hai chuyên gia chuyên nghiên cứu về cây tuế của Việt Nam và nước ngoài nhưng cả hai đều cho biết chưa tìm ra cách tính tuổi cây tuế!?

1. Thuở tôi còn nhỏ, ông tôi có trồng một cái vườn cảnh xinh xinh trước nhà. Cụ tầm đâu về được mấy nhành rễ si, rễ sanh rồi cấy trên hòn non bộ. Lại đặt dưới chân non bộ chiếc cầu gốm xinh xinh, con trâu bé tí và cả ông Lã Vọng ngồi thả câu chờ thời. Ông tôi khéo léo dùng các ống tre nhỏ dãn rễ si xuống nền đất chậu cảnh, thế là rễ phụ của cây cắm xuống đất tua tủa. Cây vạn tuế ở đền Hạ được cho rằng có tuổi 700 – 800 năm Cây si nhỏ tí nhưng gợi cho ta hình tượng cổ thụ trăm tuổi, ngàn tuổi. Các cụ đến chơi, ông tôi lại khoe: “Cây si này của tôi ngót trăm tuổi rồi đấy!”. Cụ nào cũng trầm trồ khen đẹp, khen quý. Bà tôi ngồi nhà trong ru em tôi ngủ, nghe vậy vừa tủm tỉm vừa hát ru: “Hỏi bao nhiêu tuổi trăng già? Hỏi bao nhiêu tuổi cây là cây non?" Ông tôi ngoài vườn đang hứng chí khoe cây, nghe thấy nhưng vờ làm như chẳng biết gì. Khách về, tôi hỏi ông: “Cây này ông mới cấy năm kia sao ông lại bảo đã gần trăm tuổi?” Cụ cười trả lời: “Thì cái rễ si này ông lấy từ gốc cây cổ trên đình, mà cái gốc ấy dễ chừng phải đến 300 tuổi ấy chứ?” Nghe ông giải thích, tôi biết vậy. 2. Sau này lớn lên tôi mới hiểu ra: thì ra người Việt mình cũng như người Trung Hoa hay một vài dân tộc Á Châu khác có cái truyền thống trọng tuổi tác. Hễ ai tuổi cao hơn, sống lâu hơn thì thường được tôn làm anh hai, là đại ca. Xưa có anh mới hơn bốn năm chục tuổi cũng cố nuôi bộ râu dài, đi đâu cũng muốn “làm bố” thiên hạ. Thôi thì chuyện trọng tuổi tác là cái tâm lí của người ta, mặc họ. Mà cũng nên có thái độ trọng tuổi vì ít nhất người ta cao tuổi hơn, sống lâu từng trải hơn thì chắc cũng nhiều kinh nghiệm hơn... Có một điều lạ, nhất là trong cái giới chơi đồ cổ và cả cái anh ham lịch sử, anh quản đình quản chùa, anh giám định cổ vật, hóa thạch, giám định sự kiện... Anh nào cũng thích vống tuổi của cái hiện vật mình có, vống tuổi cái sự kiện nó xảy ra trong lĩnh vực mình nghiên cứu. Trong cổ nhân học cổ sinh vật học thì nhiều anh chỉ muốn chứng minh cái hiện vật của mình mới là lâu đời nhất, là cổ nhất. Cố chứng minh cụ tổ loài người phải ở nước tôi chứ không phải nước ông. Lúa gạo, lợn gà, trâu bò cũng phải từ nước tôi mà ra sau đó mới lan tỏa sang nước các ông. Nền văn minh của tôi có trước các ông. Các ông chỉ là theo sau... Với cái thói thèm đứng đầu trong quá khứ, đã có khối anh bị vạch mặt đến bẽ bàng. Mấy năm trước, có tay giáo sư Nhật Bản chỉ vì hám danh, hám cái vinh dự cho rằng Đồ đá cũ Nhật Bản xuất hiện sớm hơn nhiều nơi khác đã đem chôn hiện vật giả rồi lừa đảo thiên hạ. Chuyện vỡ lở, tay giáo sư rởm bẽ mặt và cả giới khảo cổ Nhật cũng thẹn lây vì trót tin cái uy tín rởm của lão giáo sư già rởm. 3. Ở nước ta nhiều năm nay cũng có một số người mắc bệnh ham tuổi. Tôi không phản đối cái tâm lí muốn nước ta có một lịch sử thật lâu, có nhiều truyền thống và giá trị văn hóa sâu đậm. Tuy vậy, muốn khẳng định điều đó cần chứng minh, chứ không phải cứ nói lấy được. Tôi đã nhiều lần đến chiêm ngưỡng những di tích lịch sử vô cùng giá trị. Những ngôi chùa đích thực đã được xây dựng từ thời Lý, thời Trần, thời Lê.... Dấu tích còn lại ở những nơi đó chỉ còn là những viên gạch lát nền, những tảng đá chôn cột tạc hình cánh sen hay những vườn bia cổ và những cổ thụ trồng từ khi bắt đầu dựng chùa lần đầu. Các di tích này sau nhiều đời bị hư hỏng bởi thời gian, thiên tai, chiến tranh hoặc bởi các trào lưu phản phong vô thức đến ngờ nghệch. Đời sau người ta lại tu bổ, xây mới nên cái di tích còn lại thì mới ngót nghét trăm tuổi hay dăm chục tuổi thôi. Đau đớn nhất là mỗi khi trở lại thăm di tích lại thấy cái cốt lõi bị phá tan tành. Nhưng người quản lý hay người ở địa phương đó cứ thi nhau tâng bốc di tích của chính mình là cổ nhất, lâu đời nhất. Thời thầy tôi, giáo sư sinh vật học Đào Văn Tiến và cũng là thầy của PGS “rùa” Hà Đình Đức còn sống, cụ rất quan tâm đến cách định tuổi của động vật và cây cối. Cụ đã giao cho chị Tình là cán bộ phụ trách phòng thí nghiệm trong khoa nuôi một chú rùa cạn có vẩy lưng để theo dõi cái vẩy có vân đồng tâm trên lưng rùa xem nó có tăng trưởng hàng năm như vẩy cá hay các vòng sinh trưởng trên thân cây hay không? Nghiên cứu mới được dăm năm cũng chưa có kết quả gì. Chẳng ai tiếp tục... 4. Mới đây đọc báo thấy người ta khoe cây tuế đền Hùng có tuổi 700-800 năm. “Theo quan sát của những người thường xuyên chăm sóc cây ở khu di tích, cứ hai năm cây vạn tuế này ra thêm được một tán lá. Trong đó, một năm đầu cây ra búp, năm thứ hai búp trở thành tán. Khi đếm số tán để lại trên thân thì cây vạn tuế này có tuổi khoảng 800 năm”. Trước thông tin đó, tôi vội gọi điện hỏi chuyên gia Nguyễn Tiến Hiệp, nhà thực vật học chuyên sâu về giống cây này, người đã tìm ra nhiều giống tuế mới của Việt Nam. Ông tiến sĩ cũng chỉ ậm ừ chưa tìm ra cách tính. Nóng ruột tôi tra cứu trên mạng , tìm ra bao nhà thực vật học hàng đầu nghiên cứu về tuế. Tôi đặt câu hỏi nhờ chỉ cách giám định tuổi của cây tuế đền Hùng với vị giáo sư nổi tiếng Jody Haynes - Chủ tịch hội nghiên cứu Tuế (President The Cycad Society, Inc.), Thư kí kiêm chủ nhiệm IUCN/SSC nhóm chuyên gia về Tuế (www.cycadsg.org). Kết quả là một trong những ông trùm trong cộng đồng nghiên cứu về tuế cũng chỉ dám trả lời rằng: Thực cũng chưa có cách nào để đánh giá tuổi của từng cây tuế được. Bạn tôi ở Honduras đã tìm cách điều tra những người già trong làng để xem lai lịch những cây tuế mà họ chứng kiến, thời gian bắt đầu trồng rồi ước tính tuổi theo độ cao của cây theo từng năm”. Chợt nhớ những phát biểu về cây tuế quý trồng ở đền Hùng, định bụng gửi tin cho ngài Jody Haynes, để ngài thử liên hệ với các “nhà giám định tuổi thực vật ở Việt Nam” may ra học được nhiều điều bổ ích trong phép định tuổi cây cối ở Việt Nam chăng? Tri thức bản địa mà! TS khảo cổ học Vũ Thế Long

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20100504032219135t133/thien-tue!-van-tue!.htm