Thiên tai ngược ở Đồng Tháp Mười

(LĐ) - Mùa lũ hằng năm (từ tháng 9 tới tháng 11) từng là nỗi ám ảnh đối với người dân Đồng Tháp Mười (ĐTM). Phải mất nhiều công sức, người dân nơi đây mới chuyển từ “chống lũ”, sang “né lũ” và “sống chung với lũ” trong những năm gần đây. Thế nhưng, khi người dân ĐTM đã thân thiện với lũ, chờ đợi lũ thì năm nay lũ không về, vùng ĐTM cạn khô giữa “mùa nước nổi”.

Cá linh - món ăn xa xỉ Một trong những loại sản vật nước lũ mang về cho người dân ĐTM là cá linh. Cá linh cùng với bông điên điển (cũng có rất nhiều khi có lũ) làm nên món “canh chua cá linh” dân dã đặc trưng vùng ĐTM vào mùa nước nổi. Loài cá này từ Biển Hồ (Campuchia) theo nước lũ đổ về xuôi, khi đến ĐTM chúng lớn bằng ngón tay cái, tràn ngập đồng ruộng. Tôi còn nhớ vào năm 2000, là năm ĐTM có lũ lớn, tại thị xã Tân An cá linh được bán bằng thúng, bằng giạ. Người ta mua cá linh về làm mắm để ăn dần. Vậy mà vào mùa lũ năm nay, không có con cá linh nào về tới chợ Tân An. Một ngày đầu tháng 10, tôi rời TP.Tân An đi ĐTM để “đón lũ”. Trong bữa cơm trưa tại huyện Vĩnh Hưng, nơi được ví như cái rốn lũ của ĐTM, Chủ tịch Hội Nông dân huyện - ông Hồ Văn Bún - đã khá vất vả mới kiếm được nửa ký cá linh về đãi khách. Ông Bún cho biết, vì năm nay lũ kiệt nên rất hiếm cá linh, cá nhỏ mà giá rất đắt, gần 50 ngàn đồng/ký, trở thành món ăn xa xỉ, chỉ những gia đình khá giả mua ăn cho đỡ... nhớ lũ. Nhấp ly rượu đế, đưa cay con cá linh ốm tong ốm teo, xương nhiều hơn thịt, ông Bún nói: “Chỉ một ít ruộng trong huyện nước ngập hơn 1 tấc, còn lại đều khô ran. Lũ không về, người dân nghèo mất nguồn lợi thủy sản mùa lũ, lại càng nghèo thêm”. Cùng với cá linh, rắn, rùa cũng thành “hàng hiếm” ở các chợ vùng ĐTM, giá tăng gấp đôi năm rồi: Rắn ri cá, ri tượng tăng từ 120 ngàn đồng/ký lên hơn 200 ngàn đồng/ký... Rời Vĩnh Hưng, tôi đi về vùng đầu nguồn huyện Tân Hưng. Hai bên đường nước lũ không ngập đồng, mà chỉ đủ dâng đầy dòng kênh Cả Môn cặp tỉnh lộ 831. Nhiều gia đình nghèo bám vào dòng kênh để kiếm sống. Tôi dừng xe xem đôi vợ chồng đang vãi chài bên bờ kênh. Người chồng - anh Trần Văn Bình ngụ xã Tuyên Bình Tây - cho biết, vợ chồng anh vãi chài suốt buổi sáng mà chỉ bắt được khoảng 1 ký cá các loại, con nào con nấy nhỏ như đầu đũa. Anh Bình rầu rầu kể: “Cũng như mọi năm, vợ chồng tui bỏ gần 2 triệu đồng sắm đồ nghề như lưới, lọp, câu... để chuẩn bị làm ăn mùa lũ. Nhưng rồi lũ không về, đống đồ nghề phải bỏ xó. Tui lấy tay chài cũ đi kiếm ít cá sống qua ngày”. Cách đó không xa, gia đình ông Bùi Minh Khoa đang rầu rĩ bên dãy ao nuôi cá lóc bông. Ông Khoa cho biết, mọi năm cứ đầu mùa lũ là ông bắt đầu thả cá. Khi cá được vài tháng tuổi, đến thời kỳ cá ăn sung là đúng vào đỉnh lũ. Lúc ấy cá tạp các loại theo nước lũ đổ về rất nhiều, giá rất rẻ, nhờ vậy mà nuôi cá lóc hiệu quả cao. Có năm ông mua cá linh cho cá lóc ăn chỉ với giá 4 ngàn đồng/ký. “Năm nay cá linh gần 50 ngàn đồng/ký, người không có để ăn lấy đâu cho cá lóc. Tui phải mua cá biển làm mồi, vừa mắc vừa không ngon. Vụ cá năm nay chắc lấy hết số lời của mấy vụ trước”. Chuẩn bị chống chuột Cách nay 2 năm, cũng vào mùa lũ, tôi đã có cuộc đi săn chuột thú vị với anh Văn Đát (Đài Truyền thanh huyện Tân Hưng, Long An). Nước lũ ngập đồng, gia đình nhà chuột kéo hết lên ngọn tràm sinh sống, bà con gọi chúng là “sóc tràm”. Chúng tôi bơi xuồng, dùng chĩa đâm ngược lên, rồi gỡ chuột ra khỏi mũi chĩa, cho vô bao. Chuột đem về lột da, khìa nước dừa, nướng lu... Chúng tôi ngồi trước hiên nhà thòng chân xuống nước lũ, nhậu rượu đế với mồi chuột quên thôi. Những người đi săn có nghề hơn không bắt chuột theo kiểu ấy, vì chiến lợi phẩm không còn nguyên vẹn. Họ rung cây tràm cho chuột té xuống nước, rồi theo dấu sủi tăm mà dùng vợt túm đầu chuột khi nó trồi lên mặt nước. Thịt chuột là nguồn đạm chính trong mùa lũ ở ĐTM, không chỉ dành cho dân nhậu, mà bữa cơm các gia đình cũng đầy các món chuột rôti, chuột kho, chuột nấu canh... Những con chuột to, có giá, được đưa về các quán nhậu miền xuôi, đem lại thu nhập đáng kể cho người săn. Năm nay trở lại Tân Hưng, anh Văn Đát không đưa tôi đi săn chuột trong rừng tràm như trước (vì đâu có để mà săn), anh đang bận lo phương tiện chống chuột cho vụ đông xuân tới. Anh cho biết, nếu có lũ, chuột lớp bị săn, lớp chết ngộp, hoặc trôi hết theo nước lũ, vụ mùa sau đó đồng ruộng sạch chuột. Năm nay chuột còn nguyên, chúng sẽ sinh sôi đầy đồng, trở thành mối đe dọa khủng khiếp đối với vụ đông xuân tới. Nếu không chống chuột tốt, nhiều đám ruộng có thể chỉ còn rơm rạ khi tới ngày thu hoạch. Rời thị trấn Tân Hưng, tôi đến xã Vĩnh Thạnh - nơi nổi tiếng nhiều chuột vì có nhiều gò đất cao. Nông dân Nguyễn Văn Bé vừa thu dọn cỏ quanh ruộng, vừa thúc con chó mực đào hang chuột. Anh kể: “Năm 1998 nước lũ không về ĐTM. Vụ đông xuân 1998 – 1999 chuột tràn ngập đồng, 2ha lúa của tui bị chuột phá tan hoang”. Theo ông Bé, năm nay có thể “dịch chuột” sẽ còn nặng hơn, vì vậy mà ngay từ lúc này ông đã “ra tay” chống chuột. Ngoài công phát hoang, đào hang bắt chuột, bẫy chuột, mỗi hộ nông dân còn phải tốn hàng triệu đồng để mua thuốc chuột, lồng gài chuột, lưới chuột... Buổi tối quay về thị trấn, anh Đát đãi tôi nhậu... ốc bươu vàng nấu chuối. Anh cho biết, nếu có lũ, loài ốc chuyên hại mùa màng này bị nước cuốn hết ra biển. Năm nay ốc tha hồ sinh sôi phát triển, để đến khi có lúa trên đồng thì cắn phá. “Gia đình tôi phải tốn mấy trăm ngàn đồng thuê người dọn sạch ốc bươu trên 3ha ruộng. Tôi cũng mua sẵn mấy chai thuốc để diệt ốc bươu vào giữa vụ lúa” – anh Đát nói. Thiên tai ngược Rời Tân Hưng, tôi đến xã Bình Thành, huyện Mộc Hóa - nơi tôi có người quen là “kiện tướng” trồng lúa Hai Ngành. Vừa gặp tôi, anh đã khoe: “Vụ hè thu rồi năng suất khá, lúa được giá, lời gần 150 triệu...”. Gia đình anh đang sở hữu 15ha đất. Năm rồi anh thuê thêm 5ha để canh tác lúa. Kết thúc vụ hè thu, anh thu hoạch 200 tấn lúa, gặp lúc được giá nên lời khá. Đang vui, anh bỗng buồn thiu khi tôi hỏi sang chuyện lũ. Như đã “lập trình” sẵn, anh liệt kê vanh vách: “Lũ không về, chi phí sản xuất tăng 20 – 30% trong khi năng suất lúa lại giảm. Không có phù sa bồi đắp, lượng phân bón phải tăng thêm từ 10 bao/ha lên 12 – 13 bao/ha. Nếu có lũ, cỏ ruộng bị chết rục, trở thành phân, nay không lũ, chỉ riêng tiền chi cho diệt cỏ cũng lên đến mấy trăm ngàn đồng/ha. Nước lũ giúp rửa sạch phèn trên đồng ruộng, nay không lũ, dù có bón mấy bao phân hạ phèn thì cây lúa cũng như bị “bó phèn”, bông ngắn ngủn. Tôi chưa khi nào sợ lũ, trái lại còn mong nó. Tôi chỉ sợ lũ kiệt, nó chính là một dạng thiên tai”. Theo anh Hai Ngành, sâu rầy cũng là mối họa cho đồng ruộng sau mùa lũ kiệt. Nước lũ không ngập đồng, sâu rầy còn chỗ trú ẩn, sẽ sinh sôi tràn lan vào vụ đông xuân. Năm 1998 không có lũ, sang năm 1999 sâu rầy nhiều vô kể, chính năm này đã lần đầu tiên xuất hiện một loại bệnh mới trên cây lúa do sâu rầy mang tới – bệnh vàng lùn xoắn lá. Anh Hai Ngành ước tính: “Thiên tai” lũ kiệt năm nay sẽ làm thiệt hại khoảng 3 – 4 triệu đồng/ha cho 2 vụ lúa năm 2011. Nếu tính cả vùng ĐTM con số đó là cực lớn – hàng ngàn tỉ đồng! Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/thien-tai-nguoc-o-dong-thap-muoi/16788