Thiên tai khiến hàng triệu trẻ em lâm vào hình thức lao động tồi tệ

Theo thống kê, từ năm 2000 đến nay, trên thế giới có khoảng 2,3 tỷ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có đến 60% là trẻ em.

Theo thống kê, từ năm 2000 đến nay, trên thế giới có khoảng 2,3 tỷ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có đến 60% là trẻ em.

Ngày 13/6, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa tổ chức chương trình hội thảo Vận động chính sách, giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em trong thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Trong chương trình, các chuyên gia đã đưa ra nhiều con số báo động về ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ đến vấn đề lao động trẻ em. Những thảm họa thiên nhiên đã và đang khiến nhiều trẻ em phải trải qua những công việc tồi tệ nhất cũng như không có điều kiện để đến trường.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Jesper Moller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho hay, theo thống kê, từ năm 2000 đến nay, trên thế giới có khoảng 2,3 tỷ người đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai, 50-60% trong số đó là trẻ em.

“Biến đổi khí hậu và những nguy cơ liên quan đến thiên tai càng làm trầm trọng thêm tình hình dễ bị tổn thương và sự chênh lệch vốn dĩ đang tồn tại đối với trẻ em. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của thiên tai khiến trẻ em rơi vào nguy cơ cao hơn bị xâm hại, bóc lột và lao động, thường là những hình thức lao động tồi tệ nhất”, ông Jesper Moller cho biết thêm.

Khi thảm họa ập đến, với những cộng đồng vốn đã nghèo và thiệt thòi, vấn đề lao động trẻ em càng có khả năng tăng lên và một số trường hợp cũng làm gia tăng bạo lực, xâm hại trẻ em, lao động, cưỡng bức, buôn bán người và những hủ tục như tảo hôn. Đặc biệt, những mối nguy hiểm này càng dễ xảy ra hơn với những trẻ em mồ côi hoặc bị tách khỏi cha mẹ và người chăm sóc.

Còn theo ông Minoru Ogasawara, đại diện ENHANCE project, trên thế giới mỗi năm có gần 70 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai. Một phần đáng kể trong số 168 triệu trẻ em tham gia lao động sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng bởi xung đột và thiên tai.

Chuyên gia này lấy dẫn chứng cụ thể, năm 2013, siêu bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines làm 6000 người thiệt mạng, 4 triệu người phải sơ tán và tàn phá nhà cửa, đất đai, cơ sở hạ tầng cùng dịch vụ của 14 triệu người. 23% trẻ em của 4 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải tham gia lao động, so với 9% trước cơn bão. Nhiều trẻ em phải tham gia làm việc tại các bãi rác, làm việc nhà, giao thông, đồng áng, mại dâm… Điều kiện làm việc cũng trở nên độc hại hơn. Nghiêm trọng hơn, các con đường buôn bán người vẫn tồn tại trở nên trầm trọng hơn. Do ảnh hưởng của cơn bão, các điều kiện học tập của học sinh cũng giảm đến mức tối thiểu.

Chia sẻ cụ thể về vấn đề này, đại diện ENHANCE Project cũng cho rằng sau các cơn thiên tai, bão lũ, nếu như người lớn phải tham gia các hoạt động phục hồi kinh tế thì những công việc nhà lại đang được đẩy lại cho trẻ em. Chính các hoạt động phục hồi kinh tế có thể kéo trẻ em tham gia lao động, thậm chí bị đẩy vào những công việc mất an toàn, độc hại.

Còn tại Việt Nam, hiện nay nước ta đang được đánh giá là quốc gia đặc biệt có nguy cơ bị thiên tai đe dọa do vị trí địa lý và địa hình. Việt Nam là một trong sáu quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Theo chuyên gia Dương Văn Hùng, trong 3 thập kỷ qua nước ta đã có 58 trận lũ xảy ra trên khắp cả nước. Lũ lụt lịch sử tại miền Bắc và miền Trung năm 2008 đã làm 99 người chết. Năm 2016, 20 loại hình thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích. Những thiên tai trên đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của các địa phương xảy ra thiên tai, làm gián đoạn việc học tập vốn có và đưa trẻ em vào nguy cơ lao động trẻ em, bạo hành…

Thiên tai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo. Nhưng cũng chính sự đói nghèo là lực đẩy khiến trẻ em phải tham gia lao động trẻ em. Nhiều trận thiên tai nghiêm trọng cũng đã cướp đi sinh mạng của cha mẹ, người thân, khiến các em đang phải đối mặt với vô số khó khăn và hiểm họa.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia quốc tế cho rằng một trong những biện pháp phòng chống quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em, bao gồm cả những tình huống khẩn cấp là giáo dục. Trên thế giới, lao động trẻ em được công nhận là một rào cản căn bản cản trở việc đi học của trẻ. Trong khi đó giáo dục cũng là một chiến lược hiệu quả để chấm dứt tình trạng lao động trẻ em.

Bên cạnh giáo dục, một số biện pháp khác cần được triển khai như cải cách pháp luật, bảo trợ xã hội và thu thập thông tin, số liệu. Chính phủ, các cơ quan cứu trợ nhân đạo và các bên liên quan khác cần coi việc bảo vệ trẻ em là vấn đề ưu tiên trong cứu trợ nhân đạo và trong suốt quá trình tái thiết và phục hồi.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần đưa ra những chiến lược phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bao gồm nỗ lực đảm bảo các chương trình phát triển kinh tế xã hội và chương trình phát triển ngành lồng ghép các biện pháp bảo vệ trẻ em, các biện pháp ứng phó vấn đề bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp trong đó phân chia rõ vai trò trách nhiệm của các bên liên quan, đảm bảo cơ chế điều phối nhịp nhàng, phân bổ ngân sách phù hợp./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/tin-24h/thien-tai-khien-hang-trieu-tre-em-lam-vao-hinh-thuc-lao-dong-toi-te-635477.vov