Thiên đường vỉa hè Việt Nam sẽ bị xóa bỏ?

(ĐVO) - Không ít tờ báo nước ngoài coi quán ăn vỉa hè, gánh hàng rong như một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Một trang báo nước ngoài viết về hàng quán vỉa hè ở Việt Nam như một nét văn hóa với những thứ đồ ăn, đa dạng thơm ngon độc đáo. "Nước Mỹ sinh ra những nhà hàng di động nhưng Việt Nam mới là thiên đường đồ ăn đường phố. Không đâu lại có văn hóa đồ ăn đa dạng như nơi này", tờ báo CNNgo viết.

Bài báo này viết, "Người VN rất “cơ động”, họ đi lại bằng những chiếc xe máy gọn gàng và len lỏi giữa phố phường đông đúc một cách hăng hái để có thể thưởng thức món ngon mình muốn. Cùng với những chiếc xe máy nhỏ len lỏi giữa phố phường thì Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu ăn uống, hay đói vặt.

Bài báo ca ngợi, những món ăn trên vỉa hè thường ăn kèm cũng nước mắm, rau sống, xả, ớt... tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn.

Từ bánh mì patê, các món xôi phục vụ nhanh gọn cho tới những món phải tìm tới tận nơi như các loại bún, phở… người bán hàng đều không thiếu khách bởi dòng người hàng ngày đổ ra đường là bất tận và chắc chắn trong số đó có không ít những cái dạ dày đang đói, muốn thưởng thức các món ngon.

Bài báo cũng đặc biệt chú ý tới lời mời chào, rao bán. Những tiếng rao vần vè và nên thơ, nghe rất có giai điệu. Họ dùng loa đài đã ghi âm sẵn, nhưng cũng có người dùng micro để rao, tựa như họ đang hát karaoke vậy".

Tuy nhiên, tại Việt Nam các nhà quản lý đã đưa ra Thông tư số 20, Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố do Bộ Y tế ban hành. Với nhiều điều khoản chặt chẽ, Thông tư này được xem là giải tỏa hàng ăn đường phố nhưng lại không tính toán, sắp xếp sinh kế cho rất nhiều người.

Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ bị siết chặt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng đến ngày thứ 2 sau khi thông tư có hiệu lực thì ngay cả lực lượng được phân cấp quản lý vẫn chưa biết gì về nội dung này, còn người dân vẫn vô tư bán vì không thấy ai nhắc.

Việc ra quy định cấm hàng quán vỉa hè không phải là mới. Thực tế, quy định cấm bán hàng rong của UBND TP Hà Nội đã được đưa ra và có hiệu lực từ 19/1/2008. Nhưng từ khi ra đời và có hiệu lực thì đến này hàng quán vỉa hè vẫn phát triển, thậm chí còn đa dạng, phong phù hơn.

Trong khi nước ngoài họ thừa nhận sự tồn tại của bán hàng rong và tiến hành quy hoạch một cách bài bản thì với cách quyết tâm xóa bỏ bằng được như ở Việt Nam liệu Thông tư 20 được đưa ra chỉ là hình thức và liệu có rơi vào quên lãng giống như Quy định cấm bán hàng rong trước đó?

Tại Singapore và một số nước trên thế giới, chính phủ nước này xây dựng các điểm ổn định dành riêng cho những người bán hàng rong và quy hoạch 184 khu vực được bán hàng.

Các điểm bán dành cho người bán hàng rong được cung cấp nước sạch, gas, điện đến tận xe hay quầy bán hàng. Được cung cấp miễn phí các thiết bị phục vụ cho nấu nướng, dụng cụ cơ bản. Những người bán hàng rong được cấp giấy phép, được tập huấn kỹ năng nấu ăn, vệ sinh, được kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Những khu vực quy hoạch cũng trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, mang lại nguông thu thuế đáng kể cho ngân sách nhà nước. Quốc gia này có hẳn một đơn vị gọi là “cục quản lý bán hàng rong thuộc chính phủ” (hawkers’ department of the government of Singapore) và với sự thống nhất này, việc quản lý “nền kinh tế vỉa hè” của đảo quốc sư tử khá hiệu quả, tránh được sự chồng chéo, dẫm chân nhau.

Thay vì xóa bỏ, thì nước ngoài lại thừa nhận, quản lý và coi nó như một sự phát triển. Chính vì vậy, mà họ đã quản lý được bán hàng rong một cách hiệu quả, bài bản. Phải chăng, Việt Nam cũng nên nhìn nhận lại và học tập cách thức quản lý từ những nước này?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/hinh-anh/201301/Thien-duong-via-he-Viet-Nam-se-bi-xoa-bo-2214089/