"Thiên đường" ven biển của hàng vạn con cò trắng

(VTC News) - Những ngày lang thang dọc ven biển Tiền Hải và Thái Thụy (Thái Bình) tìm hiểu về cá sủ vàng - loài cá có giá bạc tỉ, khi đang chạy trên con đê cửa sông Diêm buổi chiều tà, thuộc địa phận xã Thụy Liên (Thái Thụy), tôi bắt gặp một cảnh tượng như trong cổ tích: Giữa mênh mang đồng ruộng, sông nước, biển cả, hàng vạn cánh cò trắng tinh chao lượn trên bầu trời, trong ánh hoàng hôn đỏ rực. Hàng vạn cánh cò đậu trắng muốt một “khu rừng” bạch đàn, một “khu rừng” dừa rậm rạp ven biển.

Quanh “khu rừng” bạch đàn và dừa ven biển ấy, không có nhà ở. Có duy nhất một lối vào là con đường nhỏ xuyên qua ao đầm, nhưng cửa đã khóa. Tôi ngồi trên đê giương ống kính máy ảnh chụp lia lịa những cánh cò chao nghiêng trên nền trời. Khi nhập nhoạng tối, thì một người đàn ông, đúng tướng nông dân, thấp đậm vâm váp phóng xe máy về. Anh giới thiệu là Bùi Thanh Bẩy, chủ trang trại. Tôi xin phép được vào thăm trang trại có đàn cò vạn con, anh dò hỏi kỹ lưỡng, rồi mới đồng ý cho vào. Thấy vẻ bực dọc trên khuôn mặt, tôi hỏi nguyên cớ. Hóa ra, anh bực là vì vừa phải đi… trả súng! Lý do là mấy hôm trước, một ông trung tuổi ở một xã bên kia sông Diêm đã đi thuyền dọc sông, lẻn vào trang trại của anh để… bắn chim. Đang nằm ngủ ở chòi, anh bỗng nghe tiếng “đoàng”, rồi một dàn đồng ca “cò…ò…ò” vang lên rền rĩ. Anh hớt hải đẩy cửa nhìn lên trời thấy trắng toát cả bầu trời. Những cánh cò hoảng loạn, tan tác bay đi. Hình ảnh đó quá quen thuộc, nên anh biết ngay là có kẻ đang xâm phạm trang trại của anh để bắn cò. Anh lập tức vác dao chạy xuyên qua khu đầm, xuyên qua rừng dừa, rừng sanh và tóm sống một ông đang giương súng ngắm bắn đàn cò đang bay tán loạn trên ngọn cây. Cò nhiều đến nỗi, nhắm mắt bắn bừa cũng trúng. Trên thân cây bạch đàn, cạnh lão thợ săn, mấy sâu chim lúc lỉu, hàng chục con cò, két mòng, giẽ giun… rũ cánh. Không ngại gì súng ống, anh Bẩy vứt dao xông vào cướp khẩu súng thể thao mới coóng, đắt tiền của ông ta, mặc cho ông ta đe dọa, chửi rủa, cãi lý rằng “tôi bắn chim trời chứ tôi có bắn cây cối của ông đâu”. Sớm hôm sau, vừa mở mắt, đã thấy mấy ông lãnh đạo xã, công an xã tìm xuống trang trại, yêu cầu anh trả súng cho người ta, vì ông ta không dùng súng bắn… người. Tuy nhiên, anh Bẩy nhất định không trao trả. Vài hôm sau, lại thấy lãnh đạo của xã bên kia sông, nơi lão thợ săn thường trú, sang gặp lãnh đạo xã Thụy Liên, rồi gặp anh Bẩy để yêu cầu anh trả súng. Mấy ông lãnh đạo xã này còn mang theo cả đơn của Hội người cao tuổi. Đọc cái đơn của Hội người cao tuổi đề nghị anh Bẩy trả súng, mà anh ức không chịu nổi. Nhưng cuối cùng, anh vẫn phải trả khẩu súng đã sát hại mấy chục sinh linh chim cò đậu trong vườn nhà anh, vì lão kia dọa tố cáo anh tội cướp đoạt tài sản của người khác. Anh Bẩy hậm hực: “Mình đã hy sinh cả cái rừng cây, cả tỉ bạc để có chỗ cho đàn chim trời trú ngụ. Mình đã không được lợi ích gì, thế mà họ lại có quyền mang súng đến bắn. Chết một vài con chim, không là gì trong số hàng chục vạn con chim trú ngụ trong vườn, nhưng có thể chỉ vì một tiếng súng, mà chúng bỏ đi hết. Bỏ đi rồi, chúng biết trú ngụ ở đâu, hay lại rơi vào bẫy của đám thợ săn?”. Anh Bùi Thanh Bẩy dẫn tôi đi dọc bờ đầm, dưới tán những cây dừa trĩu trịt quả để tiếp cận đàn cò. Anh Bẩy bảo, đàn cò cực kỳ tinh ranh. Chỉ cần có người lạ xuất hiện, dù cách cả trăm mét, chúng cũng phát hiện ra. Chỉ cần một con kêu lên, lập tức cả đàn nháo nhác. Thế nhưng, có một điều lạ, tôi đứng sau gốc dừa, trông thấy anh Bẩy hồn nhiên đi lại dưới hàng dừa, hàng sanh rợp bóng, đi xuyên qua khu rừng bạch đàn rậm rạp, mà tịnh không thấy con cò nào hoảng sợ bay lên. Ấy vậy mà, khi tôi đứng ra chỗ trống, giương máy ảnh lên chụp, đàn cò nháo nhác bay tán loạn. Với đàn cò, anh Bẩy là cha, là mẹ của chúng rồi. Anh Bẩy là nông dân chính cống, lấy vợ cũng làm nông dân, ở xã Thụy Liên. Cảnh bám đít con trâu với cái cày và vài sào ruộng mãi không khá được, nên năm 1989, khi xã phát động nhân dân đấu thầu đất bãi ven biển, vợ chồng anh Bẩy đã xung phong. Anh nhận 7ha đất của HTX Thụy Liên để lập trang trại. Khỏi phải nói công cuộc khởi nghiệp vất vả thế nào. Xưa kia, đây là đất bãi cửa sông. Buổi sáng thì nhìn thấy đất đai mênh mông, nhưng chiều lại ngập trắng băng, chẳng còn thấy ngọn cỏ, vì thủy triều dâng. Vợ chồng anh Bẩy phải đào đất đắp bờ, như một con đê để ngăn thủy triều. Rồi một hệ thống bờ dài dằng dặc, ngăn chia thành các ao, đầm. Mỗi ao, mỗi đầm, mỗi mùa, lại nuôi một thứ: tôm rảo, tôm sú, cá rô phi, cá vược… Phần đất đào ao được lập thành một khu vườn rộng 1,5ha, anh Bẩy tính sẽ trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, để ngăn sóng, lại có cọc đóng vững chân đê, nên anh trồng toàn bạch đàn. Dọc các bờ bãi quanh trang trại được anh trồng dừa, vừa tạo cảnh đẹp, có thu nhập lại giữ bờ khỏi lở. Giữa bờ là những hàng sanh, loại cây rất được ưa chuộng khi đưa vào chậu làm cây cảnh. Lời lãi từ những đầm tôm, đìa cá được bao nhiêu, anh lại đầu tư vào trang trại. Vài năm vất vả nặng nhọc, cái trang trại điển hình của vùng đồng quê đã thành hình hài: cảnh quan rất đẹp, lại sinh ra tiền như nước. Anh Bẩy trở thành nông dân tiêu biểu của tỉnh thuần nông này. “Tớ còn nhớ mãi, ấy là hồi cuối mùa hè năm 1996, bão lớn lắm, nhà cửa tan tác, cây cối đổ chổng ngửa khắp nơi, nước lụt tràn cả qua đê. Ngồi trong căn lều ở trang trại, tớ thấy những tiếng “cò…ò…ò” vang rền lẫn với tiếng gió rít. Tò mò, tớ ngó ra, thấy cò đậu kín vườn bạch đàn, đầy lá dừa. Cò đậu trên cây bạch đàn nhiều đến nỗi víu cả ngọn. Tớ gọi ông em mò ra, nhặt được mấy bao liền. Bão đánh cò rơi xuống đất gẫy cả cánh. Gió to, cò không bay nổi, tớ chỉ việc trèo lên cây bắt dễ như vặt sung” - anh Bẩy vừa kể vừa hướng ánh mắt về phía đàn cò chấp chới về tổ. Còn tiếp… Nguyệt Diễm

Nguồn VTC: http://vtc.vn/394-251980/phong-su-kham-pha/thien-duong-ven-bien-cua-hang-van-con-co-trang.htm