Thích ứng tiêu chuẩn lao động khi tham gia EVFTA

Nâng cao chức năng của hiệp hội ngành hàng, tăng cường nhận thức về tiêu chuẩn lao động, hoàn thiện hệ thống quản lý là những giải pháp cần thiết để đáp ứng các điều kiện về lao động khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU).

Thay đổi để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội cho biết, khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), dự kiến lao động Việt Nam trong ngành khai khoáng sẽ tăng thêm khoảng 3,41%/năm, lao động trong ngành dệt tăng 1,53%/năm. Một số ngành khác có mức tăng lao động hằng năm cao hơn như: Vận tải đường thủy (3,7%), sản xuất kim loại (2,65%), sản xuất máy móc, thiết bị (2,49%). Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2020-2035, không chỉ có việc làm tăng mà tiền lương dự kiến cũng tăng lên, trong đó tăng cao nhất là đối với lao động có tay nghề thấp.

Mặc dù sẽ tác động tích cực đến việc làm và thu nhập nhưng việc gia nhập EVFTA sẽ tạo áp lực đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo, có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi trường nếu không có một chiến lược nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ và chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hợp lý...

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng sẽ phải có sự thay đổi phù hợp, tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về pháp luật lao động.

Theo ông Trần Văn Chương (Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ), báo cáo kết quả thanh tra lao động mới nhất cho thấy các doanh nghiệp vi phạm chủ yếu ở 8 nội dung: Thời gian làm việc, tiền lương tiền công, phương tiện bảo vệ cá nhân, đường và cửa thoát hiểm, rủi ro về điện, môi trường làm việc, kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.

Nội dung vi phạm nhiều nhất là thực hiện không đúng số giờ làm thêm của người lao động. Theo thống kê ở 12 tỉnh, thành phố thuộc diện thanh tra, có tới 60 doanh nghiệp vi phạm huy động người lao động làm thêm quá số giờ quy định.

Mặt khác, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, chưa bảo đảm chức năng bảo vệ và đại diện quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Đại diện của hệ thống công đoàn cũng chưa có hình thức hướng dẫn, động viên người lao động hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật, có đủ kiến thức để tự bảo vệ trước những vi phạm của người sử dụng lao động.

Cần chế tài đủ mạnh

Mới đây, tại hội thảo đánh giá tác động của các cam kết lao động trong chương phát triển bền vững của EVFTA, các chuyên gia đã đề xuất nhiều kiến nghị để hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn lao động.

Giải pháp trước mắt là cần nâng cao chức năng của hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin thị trường, doanh nghiệp. Hiệp hội cần thể hiện rõ vai trò của mình, giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhanh, hiểu rõ và thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, cần hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý tiêu chuẩn lao động theo chuẩn quốc tế và phải thích nghi với những tiêu chuẩn của thị trường đối tác. Các hệ thống tiêu chuẩn như ISO 9001:2000, OSHAS 18.000, SA 8000… có thể được các doanh nghiệp áp dụng cùng lúc. Bởi lẽ, các hệ thống quản lý này không bắt buộc nhưng lại là công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp kiểm soát, cập nhật, chấp hành đầy đủ các tiêu chuẩn lao động.

Để góp phần thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do trong lĩnh vực lao động, đặc biệt khi những hiệp này có quy định chặt chẽ về việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012.

Theo kế hoạch, tháng 1/2017, Bộ sẽ chỉnh lý, hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét quyết định trình dự án. Dự kiến, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 và thông qua vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).

(Chinhphu.vn)

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161021/thich-ung-tieu-chuan-lao-dong-khi-tham-gia-evfta.aspx