Thi vẽ tranh thiếu nhi "Văn hóa giao thông và an toàn giao thông"

Sáng 29-7, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phát động cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề "Văn hóa giao thông và an toàn giao thông". Cuộc thi nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống người Hà Nội thanh lịch, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới, văn minh, trong lĩnh vực giao thông, nâng cao nhận thức và giáo dục các em về văn hóa giao thông và khuyến khích năng khiếu hội họa của các em.

Tham dự cuộc thi là các em thiếu nhi Thủ đô từ 5 đến 15 tuổi. Tác phẩm dự thi thể hiện nội dung: Ca ngợi những hành vi đẹp, thái độ đúng trong lĩnh vực văn hóa giao thông; phê phán những hành vi, thái độ xấu, sai trái của người tham gia giao thông và biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Nhận tranh đến ngày 30-8 tại Trung tâm (59 Bông Thợ Nhuộm) hoặc Cung Thiếu nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ). Thực hiện bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020" vừa được Chính phủ phê duyệt. Đề án nêu rõ bảy giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp đào tạo nhân lực nòng cốt để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh. Mục tiêu của Đề án, từ nay đến năm 2015 cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 5.000 người) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc. Theo đó, địa bàn thực hiện Đề án là miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; những vùng phải di dời để phát triển kinh tế; vùng có nguy cơ cao bị mai một bản sắc văn hóa; vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ). Hội diễn nghệ thuật ngành cao-su "Âm vang dòng nhựa trắng" Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam năm 2011 tổ chức vòng chung kết Hội diễn nghệ thuật công nhân viên chức với chủ đề "Âm vang dòng nhựa trắng" tại Nhà hát Quân đội, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh từ ngày 25 đến 28-7. Đây là hội diễn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ngành cao-su chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2011, kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 82 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tại vòng chung kết, Ban giám khảo đã chọn từ 117 tiết mục của 34 đơn vị trong ngành đạt các giải cao từ hội diễn tại ba khu vực để trao tặng 20 Huy chương vàng, 25 Huy chương bạc, 31 Huy chương đồng và 41 giải khuyến khích. Các tiết mục đạt giải cao tiêu biểu có: ca, múa "Huyền thoại đất nước", của Đoàn Tổng công ty cao-su Đồng Nai; "Đất Việt ngàn đời" của Công ty cao-su Bình Long; tiết mục tốp ca nam "Chim K tia" của Công ty cao-su Măng Yang; kịch múa "Anh hùng Thọ Đế" của Công ty cao-su Tây Ninh; ca kịch "Dân ca Bình Trị Thiên" của Công ty cao-su Quảng Trị; tốp ca "Tiếng hò Sông Mã" của Công ty cao-su Thanh Hóa; đơn ca "Người là niềm tin tất thắng" của Công ty cao-su Phú Riềng... Bảo tàng tỉnh Điện Biên sưu tầm, lưu giữ nhiều hiện vật di sản văn hóa Bảo tàng tỉnh Điện Biên vừa sưu tầm 632 hiện vật, trong đó có 191 hiện vật tại thị xã Mường Lay; 441 hiện vật tại các điểm di dân tái định cư huyện Tủa Chùa. Đây là hoạt động thực hiện Dự án "Bảo vệ cấp thiết và phát huy giá trị di sản văn hóa lòng hồ thủy điện Sơn La", của bảo tàng từ năm 2008 đến nay. Các hiện vật được sưu tầm chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, trang phục, trang sức, tôn giáo, tín ngưỡng, sách cổ của dân tộc Thái, Dao ghi về những câu chuyện dân gian, truyền thuyết về dân tộc, các giai thoại gắn liền địa danh, nhân vật cụ thể ở mỗi địa phương. Bên cạnh đó, nhiều bài thuốc chữa bệnh gia truyền cùng những nét đẹp văn hóa ẩm thực của dân tộc cũng được sưu tầm. Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức "Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2011". Tham gia Hội thi có tám đội tuyển với gần 100 thành viên được lựa chọn từ các huyện, thành phố trong tỉnh. Hội thi gồm: Màn chào hỏi giới thiệu về đội tuyển; trình bày các tiểu phẩm về phòng, chống bạo lực gia đình; trả lời kiến thức và xử trí các tình huống. Trong hội thi, các đội tuyển đều nắm chắc các kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; các tiểu phẩm đã phản ánh về tình trạng bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay; phần thi kiến thức, phần lớn các đội đã trả lời đầy đủ, chính xác về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý tốt các tình huống. Phát động Cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 41 Hướng tới kỷ niệm 57 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội vừa phát động Cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ 41 năm 2011 chủ đề "Cảm xúc Hà Nội". Với mong muốn có một bộ ảnh đặc sắc khắc họa bản sắc văn hóa truyền thống, sinh hoạt của người dân Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển cũng như cuộc sống của người dân làng nghề thủ công hiện nay, cuộc thi dành cho tất cả các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước, người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Mỗi tác giả được gửi dự nhiều nhất 10 ảnh, theo kích thước 30cm x 45cm chưa từng tham gia thi hay triển lãm. Tác phẩm dự thi gửi về Văn phòng Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội số 19 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm trước ngày 10-9-2011. Dự kiến, lễ trao thưởng và triển lãm được tổ chức đầu tháng 10-2011 với nhiều giải thưởng có giá trị cao.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/tin-chung/thi-v-tranh-thi-u-nhi-v-n-hoa-giao-thong-va-an-toan-giao-thong-1.305817