Thị trường xi-măng báo hiệu cuộc cạnh tranh căng thẳng

Nhiên liệu đầu vào tăng cao, tỷ giá hối đoái thay đổi, quá nhiều nhà máy xi-măng tập trung tại miền bắc, nhiều dự án xi-măng sắp đến kỳ trả nợ... đã và sẽ hâm nóng sức cạnh tranh của thị trường xi-măng Việt Nam.

Trong bối cảnh xi-măng đã có dấu hiệu dư thừa, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp sản xuất xi-măng cần có những bước đi thận trọng nhằm thích ứng và vượt qua những thách thức quan trọng này. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sản xuất xi-măng toàn ngành năm 2010 đạt 50,85 triệu tấn, thực tế dư thừa khoảng 2 triệu tấn so với nhu cầu, trong đó cả nước có thêm 12 dây chuyền xi-măng lò quay mới được hoàn thành và đi vào sản xuất với tổng công suất thiết kế 12 triệu tấn/năm. Theo dự báo, năm 2011 sẽ có khoảng bảy dự án xi-măng đưa vào hoạt động và lượng dư thừa sẽ tăng khoảng từ 5 đến 10 triệu tấn, tùy thuộc nhiều yếu tố. Trong khi từ năm 2008, giá than đã tăng lên hơn gấp hai lần. Giá điện, xăng dầu và nhân công cũng đều tăng, nhưng giá bán xi-măng trên thị trường tăng không đáng kể. Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong ba năm, giá xi-măng chỉ tăng khoảng 13 đến 15%, tùy từng khu vực và nhà máy. Đây là một cố gắng lớn của các doanh nghiệp sản xuất xi-măng nói chung và của Tổng công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam nói riêng trong việc hợp lý hóa sản xuất, phân phối lưu thông trong điều kiện hiện nay. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Lê Văn Chung nhận định trước tình hình giá vật liệu đầu vào như điện, than tăng mạnh thời gian qua thì khả năng một số dây chuyền sản xuất xi-măng lò đứng lạc hậu và đang trong quá trình chuyển đổi sang lò quay sẽ khó 'trụ' được nên áp lực cạnh tranh tuy có suy giảm đôi chút nhưng các công ty xi-măng không được chủ quan. Dự báo sắp tới lượng xi-măng còn tăng cao, phân bố không đồng đều, đặc biệt mức độ cạnh tranh tập trung tại miền bắc (cung vượt cầu khoảng 10 triệu tấn/năm) nên 'cuộc chiến' xi-măng sẽ còn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, các dự án xi-măng thường được đầu tư bằng ngoại tệ, sau thời gian khủng hoảng tài chính, lãi suất ngân hàng tăng, cộng thêm trượt giá nên công tác thu hồi vốn, trả nợ sẽ là một thách thức không nhỏ, riêng Vicem với bảy dự án đưa vào sản xuất thì trong năm 2011 dự kiến sẽ phải trả khoản nợ khoảng 3.200 tỷ đồng, tương đương đầu tư mới một nhà máy xi-măng lớn. Hiện nay, một số dự án xi-măng không đủ sức trả nợ, có khả năng phải sáp nhập. Bên cạnh đó, một số nhà máy xi-măng đã buộc phải dừng lò dài ngày sửa chữa hoặc tiết giảm công suất để duy trì hoạt động do thực tế năm 2010, lượng điện, than cung cấp cho xi-măng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong những lúc cao điểm mùa xây dựng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị và tình hình này khó được cải thiện trong năm 2011. Nhằm ổn định thị trường xi-măng trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt thời gian tới, Bộ Xây dựng đã và đang tập trung đẩy mạnh kích cầu xi-măng bằng nhiều phương án: sử dụng xi-măng làm các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, đồng thời rà soát tình hình cung cầu gạch ốp lát và xuất nhập khẩu. Đặc biệt, chương trình vật liệu không nung đã thu được nhiều kết quả khả quan. Hiện cả nước đã có khoảng 20 dây chuyền sản xuất gạch bê-tông khí chưng áp có công suất từ 100 nghìn đến 200 nghìn m3/năm và hơn 40 dây chuyền sản xuất gạch bê-tông bọt công suất 40 m3/ca. Đây là những sản phẩm rất thân thiện với môi trường. Một tín hiệu đáng mừng trong năm 2010, lượng clinker nhập khẩu đã giảm, cả năm nhập 2,1 triệu tấn, bằng 60% so với năm 2009, trong đó sáu tháng cuối năm, lượng nhập khẩu chỉ bằng một phần ba so với cả năm. Để giảm áp lực cạnh tranh nội địa, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu xi-măng và đã xuất khẩu được khoảng 1,2 triệu tấn. Số lượng này tuy chưa lớn nhưng sẽ là tiền đề và kinh nghiệm cho các năm tiếp theo. So với nhóm hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, thủy sản..., xuất khẩu xi-măng không dễ vì hàng hóa cồng kềnh, dễ hư hỏng, chi phí vận chuyển cao, lợi nhuận thấp. Để xuất khẩu thành công, các công ty xi-măng cần nghiên cứu kỹ thị trường, điều chỉnh cơ chế một cách linh hoạt từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu thụ, vận chuyển, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường ngoài các thị trường quen thuộc như Lào và Cam-pu-chia. Năm qua, Công ty cổ phần Xi-măng Cẩm Phả thuộc Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã xuất được lô hàng thứ hai sang thị trường Trung Đông, trước đó, lô xi-măng đầu tiên đã lên đường sang châu Phi vào tháng 3-2009. Công ty cổ phần Xi-măng Vina-kan-sai (Ninh Bình) cũng đã xuất khẩu gần 100.000 tấn clinker sang thị trường Xin-ga-po và 70.000 tấn clinker sang Ấn Độ, đồng thời,ký được hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker sang Băng-la-đét (100.000 tấn/tháng), bắt đầu thực hiện từ tháng 9-2010... Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xi-măng còn phụ thuộc nhiều yếu tố của thị trường cùng sự điều hành, quản lý chặt chẽ từ Chính phủ. Tuy nhiên, trước thực tế chắc chắn sẽ có cuộc cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp ngành xi-măng cần chủ động có những biện pháp phù hợp, linh hoạt tùy thuộc diễn biến thị trường. Chủ tịch HĐTV Vicem Lê Văn Chung cho rằng, mục tiêu hàng đầu trong năm tới của Vicem là sản xuất kinh doanh hiệu quả trên tất cả các mặt công tác từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ đến công tác tài chính, thu hồi công nợ... Trong năm 2011, toàn Tổng công ty sẽ hoàn thành sản xuất và tiêu thụ 19 triệu tấn xi-măng một cách hiệu quả nhất, không đặt nặng vấn đề về doanh thu, từng bước nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu, chi phí để giảm giá thành sản phẩm, giữ vững vai trò điều tiết thị trường xi-măng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/th-tr-ng-xi-m-ng-bao-hi-u-cu-c-c-nh-tranh-c-ng-th-ng-1.284538