Thị trường Việt Nam nằm trong tay các nhà sản xuất quốc tế

Hầu hết các nhà sản xuất nằm trong top 10 nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được người tiêu dùng thành thị và nông thôn Việt Nam chọn mua sản phẩm nhiều nhất là các công ty đa quốc gia, theo khảo sát của Kantar Worldpanel vừa công bố hôm nay, 24-5.

Thực tế về mức độ chiếm lĩnh thị trường của các nhãn hiệu quốc tế sẽ rất dễ nhận thấy và đo lường tại các hệ thống siêu thị. Trong ảnh: mua sắm tại một siêu thị "ngoại" tại quận 7. Ảnh: Minh Tâm

Báo cáo thường niên Brand Footprint năm thứ 5 do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố cho thấy, đứng đầu bảng xếp hàng top 10 nhà sản xuất hàng đầu ở thành thị (với bốn thành phố lớn gồm Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ và Đà Nẵng) là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hai nhà sản xuất Việt Nam có trong bảng danh sách (cái tên còn lại là Masan Consumer).

8/10 nhà sản xuất trong danh sách là các công ty, tập đoàn đa quốc gia hoặc liên doanh. Đó là Unilever, Nestlé, Acecook, Suntory PepsiCo, Friesland Campina, Ajinomoto, P&G và Calofic (Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân – liên doanh giữa Vocarimex và Tập đoàn Wilmar, Singapore).

Tương tự, ở thị trường nông thôn, các nhà sản xuất của Việt Nam cũng chỉ có bốn cái tên gồm Vinamilk, Masan Consumer, Uniben (tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng – chủ sở hữu thương hiệu mì Ba miền) và Asia Food (Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu – chủ sở hữu mì Gấu đỏ).

Theo Kantar Worldpanel, ở lĩnh vực phi thực phẩm, các nhà sản xuất quốc tế hiện đang nắm giữ 80% thị phần tại thị trường Việt Nam. Còn ở lĩnh vực thực phẩm, các nhà sản xuất Việt Nam đang nắm giữ hơn 50% tổng giá trị.

Nếu xét theo tiêu chí thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất thì trong top 10 của từng ngành hàng, các thương hiệu quốc tế cũng chiếm ưu thế hơn hẳn so với thương hiệu trong nước.

Ví dụ, ở nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, 10/10 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở thành thị là của các công ty đa quốc gia. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này là 9/10.

Ở nhóm sản phẩm chăm sóc gia đình, tỷ lệ thương hiệu quốc tế cũng chiếm phân nửa.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160458/thi-truong-viet-nam-nam-trong-tay-cac-nha-san-xuat-quoc-te.html/