Thị trường tuần qua: Nhập khẩu ô tô 'chạm đáy' thấp nhất kể từ đầu năm

Lượng ô tô nhập khẩu đã xuống đến mức 6.940 chiếc, thấp nhất từ đầu năm đến nay. So với năm 2016, lượng xe nhập khẩu từ tháng 4 đến tháng 7 vừa qua cũng thấp hơn nhiều những tháng cùng kỳ.

Ảnh minh họa.

“Đáy” nhập khẩu ô tô về Việt Nam

Trong 7 tháng đầu năm 2017, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam đã sụt giảm đáng kể. Thông thường, lượng ô tô nhập khẩu thấp nhất sẽ rơi vào khoảng tháng 1, tháng 2 do nhu cầu của người dân giảm xuống sau mùa mua sắm cuối năm.

Song đáng chú ý, đến tháng 7 vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã xuống thấp nhất trong 7 tháng với số lượng chỉ 6.940 xe.

So với năm 2016, lượng xe nhập khẩu từ tháng 4 đến tháng 7 vừa qua cũng thấp hơn nhiều những tháng cùng kỳ. (Xem tiếp)

Đua giảm giá, giá ô tô vẫn “trên trời”

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các hãng ô tô đều đua nhau giảm giá mạnh để kích cầu. Chương trình khuyến mãi kéo dài từ tháng trước sang tháng sau, nhiều mẫu xe tháng trước vừa giảm, tháng sau còn giảm nhiều hơn. Tuy mức giá giảm giao động khá lớn, song trên thực tế giá mỗi chiếc “xế hộp” vẫn khá cao, ngoài sức mong đợi của hầu hết người dân Việt Nam.

Mặc dù các hãng đua nhau giảm nhưng giá bán còn quá cao nên sức mua lại thụt lùi. Thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, thị trường xe trong tháng 7 giảm 16%, đạt khoảng 21.000 xe bán ra. Thời điểm này, chỉ những người thật sự có nhu cầu mới đi mua xe, trong khi số còn lại đa phần chờ đợi “sự mầu nhiệm” vào những biến động của thị trường từ giờ đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%. (Xem tiếp)

Bức tranh tối màu của nhiều “ông lớn” ô tô nửa cuối năm

CTCP Ô tô TMT (mã TMT) nửa đầu năm báo lãi sau thuế vỏn vẹn 3 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu cũng giảm từ 1.477 tỷ đồng về 1.244 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh là doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 25,5% và 2,4% kế hoạch năm.

Tương tự, CTCP Kỹ thuật và Ôtô Trường Long (mã HTL) chỉ lãi 5,2 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm, bằng 1/8 cùng kỳ năm ngoái và mới đạt 18% kế hoạch năm. Doanh thu cũng giảm hơn một nửa về còn 335 tỷ đồng.

Khá hơn một chút, CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (mã chứng khoán HHS - thành viên Tập đoàn Hoàng Huy) 6 tháng đầu năm báo lãi 32 tỷ đồng, tuy nhiên cũng chỉ đạt 20% kế hoạch năm. (Xem tiếp)

Mảng tối thị trường sơn

Hiện ở Việt Nam có khoảng trên 400 doanh nghiệp ngành sơn, trong đó có trên 70 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng doanh nghiệp này không nhiều nhưng lại đang chiếm thị phần khá lớn, lên đến khoảng trên 60%.

Thị trường sơn đang có những đợt sóng ngầm, cạnh tranh quyết liệt, từ giá bán, chất lượng, chế độ hậu mãi dành cho khách hàng cho đến cuộc đấu tay ngang giữa các doanh nghiệp trong ngành. (Xem tiếp)

7-Eleven, hàng hoá nghèo nàn, đồ ăn giá cao

Sau vài ngày chứng kiến cảnh giới trẻ chen chúc xếp hàng “check in”, cửa hàng đầu tiên đã quay về như thực trạng của hàng trăm cửa hàng tiện lợi khác đang có mặt tại TP.HCM. Tại cửa hàng này, khách chỉ đông hơn vào buổi trưa, khi nhân viên văn phòng làm việc tại tòa nhà này vào giờ ăn. Thời gian khác trong ngày thường chứng kiến hình ảnh nhân viên đông hơn khách mua sắm.

Tương tự, tại các cửa hàng khác, đã không còn cảnh xếp hàng chờ mua cơm hộp, đợi 30 phút chờ tính tiền 1 ly trà.

Theo phân tích của một chuyên gia thương hiệu, người tiêu dùng Việt háo hức với 7- Eleven ngoài việc là thương hiệu quốc tế khổng lồ, thì điều chờ đợi là được mua hàng và thử những món tiện lợi “ngoại” giá Việt. (Xem tiếp)

HÀ OANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/thi-truong-tuan-qua-nhap-khau-o-to-cham-day-thap-nhat-ke-tu-dau-nam-3095325.html