Thị trường thanh long: sự lựa chọn vẫn là Trung Quốc

Theo khảo sát của Bộ Công thương, hiện trái thanh long được tiêu thụ trong thị trường nội địa chỉ chiếm 15-20% tổng sản lượng, xuất khẩu chính ngạch rất thấp, còn lại được xuất khẩu theo hình thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc.

Vừa qua, Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thị thanh long nhằm tìm ra khó khăn, giải gỡ những vướng mắc trong sản xuất, tìm ra hướng đi mới để thanh long trở thành 1 trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 37.000 ha thanh long, đạt sản lượng trên dưới 630.000 tấn/năm. Riêng tỉnh Bình Thuận, có diện tích đến 26.500 ha, sản lượng trung bình hơn 500.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, mặc dù diện tích và sản lượng thanh long của Việt Nam tăng nhưng thị trường chính ngạch lại kém. Theo ông Đỗ Minh Kính, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, khi mùa thanh long chính vụ, sản lượng thu hoạch lớn, trong khi doanh nghiệp vị động khi xuất sang Trung Quốc nên đã xảy ra tình trạng ứ đọng tại các cửa khẩu gây ra thiệt hại lớn.

Thanh long lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Thái Minh

Như đã biết, không riêng gì thanh long mà rất nhiều những sản phẩm khác tại Việt Nam đều lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, để thanh long xuất khẩu sang các nước khác ngoài Trung Quốc là một vấn đề khá lớn, bởi để xuất khẩu loại trái này sang thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… , các doanh nghiệp cần phải áp dụng công nghệ xử lý trái cây theo tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để xử lý, loại trừ ruồi đục quả. Chính quyền các nước nhập khẩu yêu cầu xử lý theo hai phương pháp phổ biến là chiếu xạ và hơi nước nóng.

Theo ông Nguyễn Hồng Hưng, Giám đốc Công ty Hoàng Phát là công ty đầu tư xây dựng nhà máy xử lý hơi nước nóng để xuất khẩu trái cây sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… (những quốc gia này yêu cầu xử lý). Nhưng do ngành kiểm dịch thực vật các quốc gia này vẫn trong quá trình xem xét hồ sơ của từng doanh nghiệp trước khi cấp phép nên tạm thời hoạt động chính của doanh nghiệp là thương mại - xuất nhập khẩu, trong đó có xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc.

“Mặc dù biết Trung Quốc là một thị trường nhiều rủi ro nhưng vì nhu cầu nhập khẩu của thị trường này quá lớn nên cũng “nhắm mắt đưa chân””, ông Hưng chia sẻ.

Xuyến Chi (T/h)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/thi-truong-thanh-long-su-lua-chon-van-la-trung-quoc-d50481.html