Thị trường phim bản quyền: 'Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm?'

Ngoài việc trông chờ cơ quan quản lý mạnh tay hơn với trang phim lậu, các dịch vụ phim bản quyền như Danet, Fim Plus hay một số đơn vị sắp ra mắt sẽ phải 'tự thân' bằng cách tăng cường trải nghiệm, truyền thông... để người dùng cảm nhận được sự khác nhau giữa phim bản quyền và phim lậu.

Mức giá phim bản quyền gần tương đương với phim lậu

Theo ông Lương Công Hiếu, Tổng giám đốc Fim Plus (Galaxy), sau 3 năm nghiên cứu và phát triển dịch vụ Fim Plus, Galaxy đã làm hàng trăm cuộc khảo sát khách hàng, nghiên cứu thị trường. Qua đó, Galaxy thấy rằng mức giá 50.000 đồng/tháng để xem trọn gói không giới hạn hay mức giá thuê phim từ 15.000-29.000 đồng/phim trong 48 giờ mà Fim Plus đưa ra là tương đương, thậm chí rẻ hơn so với việc xem trên các site phim lậu. Mức giá mà Fim+ đưa ra so với các dịch vụ tương tự ở nước ngoài là rẻ hơn rất nhiều, ví dụ như Netlix mức giá thấp nhất họ đưa ra là khoảng 8 USD mà chỉ được tiêu chuẩn SD thì Fim+ chỉ bán với 2,2 USD mà chuẩn HD. Do trước đây người dùng chưa được cung cấp các dịch vụ xem phim có bản quyền nên họ buộc phải xem trên các trang phim lậu. “Chính vì thế, nếu hiện tại họ thấy một sản phẩm cung cấp phim có bản quyền có chất lượng tốt và mức giá hợp lý thì sẽ khiến khách hàng cân nhắc việc sử dụn”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, các site phim lậu thường có chất lượng không ổn định, bản quay trộm (CAM) hoặc gắn phụ đề tiếng Hàn, tiếng Trung, âm thanh kém chất lượng… Với Fim Plus, các bộ phim đều được lấy từ bản gốc do đối tác cung cấp với chất lượng âm thanh, hình ảnh gốc và được chuyển đổi sang các định dạng tốt nhất, phù hợp với những nhu cầu khác nhau của khách hàng xem trên website, TV hay di động.

“Cuối cùng, Galaxy đầu tư ngân sách lớn về hạ tầng, công nghệ và đội ngũ biên tập, biên dịch vì Galaxy xác định đây là một dự án lâu dài nên người dùng sẽ xem không bị lag, giật dù với các điều kiện mạng khác nhau. Điều này, các site phim lậu, làm ăn chộp giật sẽ không thể có được”, ông Hiếu khẳng định.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD Media (đơn vị sở hữu dịch vụ Danet) cũng cho biết, mức giá mà BHD đưa ra đã được tính toán dựa trên mức giá băng đĩa lậu ngoại thị trường cũng như các site phim lậu ở Việt Nam (khoảng 30.000 đồng/tháng). BHD đã phải bàn bạc rất nhiều lần với các Studio bên Mỹ để có mức giá cân đối nhất với thị trường Việt Nam vì nếu để mức giá quá thấp thì sẽ không đủ chi phí mua bản quyền, kĩ thuật, bảo mật…. “Do đó, mức giá hiện nay của Danet đã rất phù hợp để người dùng không phải suy nghĩ quá nhiều khi lựa chọn dịch vụ phim bản quyền thay vì các trang phim lậu”, bà Hạnh khẳng định.

Hiện để xem phim bản quyền trên Fim Plus và Danet, người dùng phải trả mức phí khoảng 50.000 đồng/tháng để xem khoảng 1.000 bộ phim trên máy tính, di động và máy tính bảng. Tuy nhiên, đối với các bộ phim mới chiếu rạp, người dùng vẫn phải bỏ khoảng 12.000 đồng - 29.000 đồng/phim để thuê phim trong vòng 48 tiếng. Cac trang phim lậu hiện nay như pubvn.net.. đang có giá khoảng 40.000 đồng/tháng để xem trọn gói và 2000 đồng/phim. Điều đặc biệt là trang web này từng bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL phạt vì có hành vi xâm phạm quyền tác giả vào tháng 7/2013 đồng thời tiếp tục bị Hiệp hội Điện ảnh Mỹ gửi hồ sơ về việc tái vi phạm bản quyền tháng 4/2014 nhưng đến nay vẫn tiếp tục phát triển hành vi vi phạm bản quyền của mình. Như vậy, mức giá của Danet và Fim Plus đưa ra không có sự khác biệt lớn so với giá các site phim lậu.

Ngoài Danet và Fim Plus, một công ty nội dung số bản quyền của Malaysia và một công ty nội dung số của Việt Nam dự kiến sẽ công bố dịch vụ vào cuối năm nay, dự báo một năm 2017 sắp tới đầy sôi động của thị trường phim bản quyền.

Các trang phim bản quyền sẽ còn rất nhiều việc phải làm để thuyết phục người dùng "xem có ý thức". Ảnh: Internet.

Các trang phim lậu thường xuyên tái vi phạm và chưa có chế tài xử lý đủ mạnh

Bà Hạnh cho rằng, trong những năm qua, các cơ quan chức năng và Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đã có những hoạt động mạnh mẽ nên số lượng phim Mỹ đã giảm hẳn trên các trang web lậu vì không thể nào “ăn trộm” thường xuyên và lâu thế. “Thời gian tới, khi Việt Nam gia nhập TPP thì các quy định liên quan đến tài sản trí tuệ sẽ có sự thay đổi cho phù hợp”, bà Hạnh cho biết thêm.

Còn theo ông Hiếu, chế tại xử lý việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam hiện nay còn yếu, chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe để bảo vệ các nhà cung cấp phim có bản quyền khi các hình thức xử phạt chủ yếu là phạt hành chính. “Các dịch vụ phim lậu giống như các bà bán hàng rong ngoài vỉa hè, khi thấy công an đuổi thì chạy sang vỉa hè khác để bán”, ông Hiếu ví von.

Hiện tại do nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế, Galaxy Fim Plus chủ yếu tập trung vào kinh doanh. Còn các phim Việt Nam do Galaxy sản xuất và phân phối khi phát hiện vi phạm, chúng tôi làm rất quyết liệt nhưng các phim nước ngoài thì lại phải phối hợp với hãng phim Hollywood, Hiệp hội Điện ảnh Hoa kì nên chậm hơn nên các hành vi vi phạm diễn ra liên tục và lặp đi lặp lại.

“Chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn đến vấn đề vi phạm bản quyền. Với các hành vi vi phạm lặp đi, lặp lại nhiều lần như một số site phim “lậu” hiện nay thì cần có các chế tài xử lý nghiêm và tăng hình thức xử phạt”, ông Hiếu kết luận.

Trao đổi với ICTnews, chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho biết, dù các site phim lâu hiện nay đã dè chừng hơn với các phim chiếu rạp hay các phim Mỹ nhưng vấn đề là khi dập trang phim lậu lớn thì hàng trăm site lậu khác sẽ mọc ra, bằng cách đặt tên miền quốc tế và sever ở nước ngoài, pháp nhân nước ngoài. “Chưa kể đến các trang phim lậu sẽ chuyển dần thay vì chiếu phim Mỹ thì chiếu phim của các nước ít đụng chạm đến bản quyền hơn gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ.. Đó là cách mà các trang phim như Phim14, Bilutv, Phimbathu tồn tại cho đến nay”, vị chuyên gia này khẳng định.

Dù đã có các sản phẩm được đầu tư lớn về sản phẩm, nội dung nhưng ấn đề lớn nhất của các dịch vụ bản quyền như Danet, Fim Plus gặp phải khi cạnh tranh với các trang lậu chính là việc chưa có nhiều kinh nghiệm trong mảng online, khi BHD và Galaxy vốn chỉ có kinh nghiệm về phim chiếu rạp. Thực tế cho thấy, trải nghiệm trên dịch vụ Danet và Fim Plus không tốt bằng một số site phim lậu và các đơn vị này sẽ phải có rất nhiều việc phải làm để cải thiện hơn nữa về mặt sản phẩm.

Ngoài ra, Danet và Fim Plus sẽ phải “làm thị trường” mạnh hơn nữa khi tăng cường cho người dùng dùng thử sản phẩm hay truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để thấy được sự khác biệt giữa dịch vụ phim có bản quyền và không có bản quyền thay vì chỉ trông chờ vào việc xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý. “Nếu đi đúng hướng vào một nhóm đối tượng nhất định và kiên trì thì rất có thể thị trường bản quyền sẽ khởi sắc trong 2-3 năm tới”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

Thế Phương

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/internet/thi-truong-phim-ban-quyen-da-thay-anh-sang-cuoi-duong-ham-144845.ict