Thị trường phái sinh: Chậm mà chắc

Sau rất nhiều sự kỳ vọng và chờ đợi, thị trường chứng khoán phái sinh đã đi vào hoạt động. Giá trị giao dịch đang chỉ là vài chục tỷ đồng cho mỗi phiên, chưa thể so với thị trường chứng khoán cơ sở.

Đường đi của các nhân tố mới

Điều này thoạt nghe có vẻ rất nghịch lý vì nhà đầu tư (NĐT) háo hức chờ đợi nhưng đến khi có sản phẩm thì lại chưa nhiều giao dịch. Trước tiên, cần phải hiểu thị trường phái sinh không đơn thuần chỉ là việc có thêm một sản phẩm để giao dịch, hoặc có thêm một cổ phiếu mới để mua/bán.

Thị trường phái sinh ra đời là biểu hiện cho nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc đa dạng hóa các sản phẩm, đồng thời cung cấp cho NĐT thêm một công cụ để quản trị rủi ro trong đầu tư. Kỳ vọng này mang tính dài hạn và tất nhiên cũng đã được phản ánh vào giá trị của thị trường chứng khoán.

Còn việc NĐT dè dặt khi sản phẩm chính thức xuất hiện cũng là chuyện… bình thường! Lịch sử của thị trường cho thấy, hễ các nhân tố mới xuất hiện thường được NĐT đón nhận khá dè dặt, chẳng hạn: Khi thị trường có thêm phiên chiều, hay khi các bước giá được chia nhỏ, hay cả câu chuyện của sàn UPCoM… Những sự thay đổi này đều hướng đến việc tạo ra những lợi ích về mặt dài hạn cho thị trường, sẽ “ngấm” dần theo thời gian để phát huy tác dụng.

Giờ đây, chẳng còn ai lăn tăn với việc bước giá của cổ phiếu được chia nhỏ mà đã giao dịch rất quen thuộc, cũng không còn cảnh NĐT tranh thủ ngủ trưa lại sàn chứng khoán để chờ phiên chiều như hồi mới áp dụng và sàn UPCoM sau một thời gian dài trầm lắng đã bùng nổ trong 2 năm gần nhất. Những dẫn chứng này khẳng định một cách chắc chắn rằng, thị trường phái sinh sẽ phát triển, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Những nhân tố hỗ trợ

Vài năm trước, khi các quỹ ETF nội địa chuẩn bị đi vào hoạt động, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ cũng đã có những chương trình truyền thông khá mạnh mẽ để quảng bá sản phẩm. Nhưng kết quả là kể từ khi chính thức xuất hiện vào cuối năm 2014 đến giờ, các quỹ ETF nội vẫn chưa chinh phục được nhiều người như mong đợi.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải điều này, chẳng hạn như những năm gần đây không phải lúc nào ETF cũng phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của mình, hoặc cũng như nhiều sản phẩm mới khác, ETF nội cần có thêm thời gian. Nhưng nhìn riêng về các động thái hỗ trợ cho các ETF thì có thể thấy, tại thời điểm đó chưa được bài bản như hiện nay. Sau một chuỗi các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức về phái sinh, các công ty chứng khoán lớn hiện nay còn miễn phí giao dịch phái sinh từ 2-3 tháng cho các NĐT, nghĩa là đã hỗ trợ gần như tối đa. Riêng về mặt thị trường, hiện nay cũng có thể xem là thuận lợi cho sự phát triển của phái sinh.

Thị trường chứng khoán cơ sở thuận lợi cũng là cơ hội để những kỳ vọng cho thị trường khác phát triển. Mặt khác, dòng vốn ngoại đã và đang tiếp tục đổ vào thị trường nhiều hơn và khi có phái sinh, các NĐT nước ngoài cũng sẽ có nhiều hơn các công cụ để tìm kiếm lợi nhuận cũng như quản trị rủi ro tốt hơn.

Riêng trong hoạt động của các công ty chứng khoán, thời gian gần đây đã có những thông tin về việc một công ty chứng khoán có thế mạnh phái sinh tại châu Á có ý định mua lại một công ty chứng khoán trong nước. Một công ty có thế mạnh về mặt nào đó có thể tạo ra nhiều lợi ích có liên quan cho khách hàng, chẳng hạn chia sẻ kiến thức, tư vấn hoặc có những tiện ích bổ trợ và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.

Về phần mình, các công ty chứng khoán khác thấy vậy cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi và khi nhiều công ty chứng khoán vẫn tiếp tục đầu tư một cách bài bản cho phái sinh thì sẽ đến thời điểm nhu cầu dành cho sản phẩm này sẽ tăng cao. Kỳ vọng về chứng khoán phái sinh tất nhiên vẫn sẽ duy trì, bất chấp những thách thức có thể xuất hiện trong ngắn hạn.

Theo TBNH

Nguồn ANTT: http://antt.vn/thi-truong-phai-sinh-cham-ma-chac-205854.htm