Thị trường ngân hàng một năm nhiều biến cố

Yếu kém nội tại cùng với sự thao túng của nhóm lợi ích là nguyên nhân chính khiến hệ thống ngân hàng năm qua chịu nhiều sóng gió. Nhưng đổ vỡ đã không xảy ra, niềm tin với tiền đồng phần nào được củng cố.

Đưới đây là những câu chuyện ảnh hưởng đến giới ngân hàng nhiều nhất trong năm 2012.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tính đến tháng 10 là 8,82% - cao nhất từ trước đến nay nhưng cũng gấp đôi con số 4,93% các ngân hàng tự báo cáo. Nếu tính quy mô tín dụng toàn thị trường ước khoảng 2.700 tỷ đồng, các ngân hàng đang gánh gần 240.000 tỷ nợ xấu. Tuy nhiên, các tổ chức nước ngoài còn cho rằng, quy mô nợ xấu có thể cao hơn nữa.

Qua mỗi quý trong năm, tỷ lệ nợ xấu tại mỗi ngân hàng thương mại lại tăng thêm, đồng nghĩa với đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc lập dự phòng của các ngân hàng vẫn chưa "đúng, đủ". Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng hơn một lần cấm các nhà băng chia cổ tức, tăng lương thưởng nếu không làm tròn nghĩa vụ tự xử lý nợ xấu.

Một loạt sếp cũ của ACB đã bị khởi tố và bắt giam, vì liên quan tới hoạt động ủy thác đầu tư trái quy định, nguy cơ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Sau ngày bầu Kiên , nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị bắt, thị trường chứng khoán rơi vào cảnh bán tháo, giá trị cổ phiếu "bốc hơi" hàng tỷ USD.

Sau đó, ông Lý Xuân Hải , nguyên Tổng giám đốc ACB, từng là một CEO sáng giá trong ngành tài chính cũng bị khởi tố. Lần lượt ông Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch ACB và 3 nguyên phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang lần lượt từ nhiệm và bị liên quan đến vấn đề pháp lý do cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Thua lỗ hơn 1.700 tỷ đồng kinh doanh vàng cũng là một nỗi đau của ACB, ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam, từng dẫn đầu thị trường về các nghiệp vụ liên quan tới vàng.

Từ cuối năm 2011 đã xuất hiện những tin đồn về việc một nhóm cổ đông đang tích cực mua gom cổ phiếu STB. Đến tháng 2/2012, nhóm thâu tóm chính thức lộ diện khi Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng - đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ 51% vốn điều lệ ngân hàng - đòi bầu lại ban lãnh đạo Sacombank. Chưa hết, thị trường lại xuất hiện tin Sacombank có thể sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam.

Đến tháng 5, những chấn động tại Sacombank được coi như khép lại, 8 trong số 10 thành viên của HĐQT mới của Sacombank đến từ hai ngân hàng Eximbank và Phương Nam. Tuy nhiên, những ngày cuối năm 2012 lại xuất hiện động thái "lạ" khi nhiều cổ đông lớn của Sacombank bán mạnh cổ phiếu sau một thời gian "tranh mua". Bản thân gia đình ông Đặng Văn Thành cũng thoái dần vốn khỏi Sacombank và đến nay, hai cha con ông Đặng Văn Thành, Đặng Hồng Anh đều đã từ nhiệm, rút khỏi HĐQT Sacombank.

Ngân hàng Nhà ở Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) hồi tháng 8 năm nay, đánh dấu sự thành công của thương vụ sáp nhập ngân hàng tự nguyện đầu tiên. Tuy nhiên, nó cũng chính thức xóa sổ cái tên Habubank - ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của người Hà Nội - sau 24 năm tồn tại và phát triển.

Habubank cũng từng có một thời vàng son , rực rỡ khi liên tục tăng trưởng mạnh về tài sản, doanh thu cũng như lợi nhuận. Tuy nhiên, thời điểm phải sáp nhập vào SHB, nợ xấu của nhà băng này đã lên tới 23,66%, trong đó có khoản nợ xấu khổng lồ hàng nghìn tỷ đòng đến từ một tổ chức pháp nhân là doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi tiếp quản Habubank, Chủ tịch SHB tuyên bố sẽ đưa nợ xấu xuống dưới 10% ngay trong năm 2012.

Từ mức trần 14%, sau 5 lần điều chỉnh giảm liên tiếp vào các khoảng thời gian 13/3, 10/4, 28/5, 11/6 và 24/12, hiện nay trần lãi suất huy động ngắn hạn chỉ còn 8% và dài hạn thì theo cơ chế thả nổi.

Các mức lãi suất điều hành khác cũng giảm mạnh như tái chiết khấu giảm từ 13% mỗi năm xuống còn 7%, trong khi lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15% một năm xuống 9% mỗi năm. Việc điều chỉnh trên được xem là động thái tích cực để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Hiên nay, lãi suất cho vay cơ bản đã về quanh mốc 12-15% đối với các lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên thận trọng khi quyết định giảm lãi suất. Nguyên nhân là việc cắt giảm quá nhanh (với mức giảm 5 điểm % như trong năm 2012) có thể gây lo ngại về độ tín nhiệm từ quốc tế đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, các tổ chức này cho rằng thời điểm hạ lãi suất hợp lý nên dời sang quý 1/2013.

Thay vì có mức tăng trưởng bình quân gần 30% mỗi năm của mấy chục năm qua, nay tín dụng đang tăng trưởng ở mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân là kinh tế tăng trưởng chậm, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ giảm, thị trường bất động sản đóng băng, khách hàng vay vốn không đủ điều kiện….

Theo đó, trong 7 tháng đầu năm tín dụng của toàn nền kinh tế vẫn gần như bằng 0%, còn nếu tính cả những khoản cấp vốn mua giấy tờ có giá như trái phiếu doanh nghiệp…thì mới tăng được 0,93%. Và sau 11 tháng, tín dụng mới nhích lên được hơn 4% và ước tính cả năm 2012 tăng khoảng 5%-6% , mức thấp nhất từ trước đến nay dù lãi suất giảm tới 5 lần trong năm.

Lợi nhuận của các ngân hàng hầu hết đều sụt giảm , khả năng chỉ đạt 30-70% kế hoạch đề ra ban đầu, thậm chí có nhiều tổ chức tín dụng kinh doanh thua lỗ.

Trong quý III/2012, nhiều ngân hàng tên tuổi lớn như EIB, Sacombank…đều có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí như ACB thua lỗ nặng gần 500 tỷ trong quý 3 - một điều rất hiếm gặp trước đây.

Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác lúc đầu báo lãi, nhưng khi bị thanh tra lại thì thành lỗ, thậm chí âm vốn và buộc phải tái cơ cấu.

Trái với thời kỳ hoàng kim cách đây 1 - 2 năm, nhân viên ngành ngân hàng đã bắt đầu phải chịu cảnh giảm lương , mất thưởng và nguy cơ thất nghiệp luôn rình rập giống như một số ngành sản xuất kinh doanh khác. Trong bối cảnh lợi nhuận giảm, nợ xấu gia tăng và yêu cầu tái cơ cấu ngày một bức thiết, các ông chủ nhà băng buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí là hàng loạt . Hơn nữa, một khảo sát về cung - cầu nhân lực ngành này cũng cho biết, năm 2013 và 2014 sẽ có khoảng 12.000 - 13.000 sinh viên tài chính - ngân hàng không có việc làm .

Lương, thưởng của ngành ngân hàng cũng sụt giảm đáng kể. Khác với mọi năm, đây vốn là ngành được xã hội chú ý vì thường có mức lương, thưởng Têt khủng, năm nay nhiều ngân hàng tuyên bố sẽ cắt thưởng Tết.

Những ngày cuối cùng năm 2012, Vietinbank công bố bán 20% cổ phần cho Ngân hàng Nhật Bản Tokyo-Mitsubishi UFJ. Với giá bán 24.000 đồng một cổ phần cho Tokyo-Mitsubishi UFJ, Vietinbank thu về 743 triệu USD, đánh dấu thương vụ mua bán sáp nhập kỷ lục trong ngành ngân hàng. Theo đó, Vietinbank sẽ tăng vốn điều lệ lên 32.661 tỷ đồng, vốn tự có lên khoảng 45.000 tỷ đồng - lớn nhất ngành ngân hàng hiện nay.

Mức giá 24.000 đồng nếu so với thị giá hiện nay của cổ phiếu CTG chỉ trên 20.000 đồng được xem là quá đắt. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ vẫn tin rằng đây là một mức giá hợp lý bởi tin tưởng vào khả năng thu lời từ Vietinbank. Tokyo-Mitsubishi UFJ sẽ cử 2 đại diện của ban giám đốc vào HĐQT điều hành Vietinbank.

Điều hành tỷ giá được xem là một trong những thành công của chính sách tiền tệ năm 2012 và cũng thể hiện nhiều dấu ấn của Thống đốc. Đầu năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, tỷ giá năm nay nếu biến động sẽ không quá 3% và "chốt" năm 2012, tỷ giá vẫn ở ngưỡng "an toàn" đúng như lời cam kết này. Đây không phải lần đầu vị tư lệnh ngành đưa ra cam kết về tỷ giá và cả hai lần đều được thực hiện, góp phần nâng cao uy tín của đồng Việt Nam.

Với chính sách điều hành tỷ giá theo lộ trình xóa bỏ tình trạng "đôla hóa", dần dần tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân đã giảm đáng kể. Xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang tiền đồng cũng tăng. Điểm "được" khác là thị trường "chợ đen" gần như đã không còn có thể hoạt động công khai.

Lệ Chi - Thanh Lan

Nguồn VnExpress: http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/tin-tuc/2013/01/thi-truong-ngan-hang-mot-nam-nhieu-bien-co/