Thị trường mới, thách thức mới

Top 5 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Myanmar từ cuối năm 1988 đến 11.2011

Trang 1 / 2

Chính phủ Myanmar đã và đang thực hiện hàng loạt cải tổ trên con đường đi tới dân chủ trở lại. Từ năm ngoái đến nay, hàng trăm tù nhân chính trị đã được trả tự do. Và ngày 4.2.2011, ông Thein Sein, cựu sĩ quan cao cấp, được Quốc hội Myanmar bầu làm Tổng thống dân sự đầu tiên sau 50 năm Myanmar nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội.

Đầu tháng 12.2011, bà Hillary Clinton đã công du nước này, chuyến đi của một ngoại trưởng Mỹ đến đây kể từ hơn 50 năm. Bà cho biết Mỹ đã sẵn sàng cho việc trao đổi đại sứ với Myanmar. Đến ngày 6.2, bà Clinton ký lệnh dỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế đối với quốc gia Đông Nam Á này. Theo đó, các đoàn thẩm định và hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ nay được phép đến Myanmar.

Liên minh châu Âu (EU) cũng nới lỏng những hạn chế đi lại trong Liên minh đối với Tổng thống Thein Sein, các Phó Tổng thống, thành viên Nội các, người phát ngôn lưỡng viện Quốc hội và gia đình của họ. EU còn quyết định viện trợ 50 triệu euro cho một số dự án y tế, giáo dục và đào tạo nghề của Myanmar.

Lột xác

Những năm 1940-1950, Myanmar là quốc gia giàu nhất Đông Nam Á đang trên đường trở thành nền kinh tế phát triển đứng hàng thứ hai châu Á, sau Nhật. Thế nhưng, cuộc binh biến quân sự năm 1962 đã đẩy lùi mọi thành tựu kinh tế, biến nước này thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Giới quân sự lên nắm quyền và quan hệ đối ngoại, đặc biệt với các nước phương Tây, trở nên rất căng thẳng. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. EU cũng thi hành lệnh cấm vận đối với nước này, gồm cả cấm vận vũ khí, chấm dứt những ưu đãi trong giao dịch thương mại và ngưng viện trợ, ngoại trừ viện trợ nhân đạo.

Thế nhưng, mọi việc đã thay đổi vào năm 2010. Ngày 13.11.2010, bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ dân chủ đối lập, được trả tự do sau 21 năm bị giam giữ và quản thúc tại nhà. Bà là Tổng thư ký Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, nhà hoạt động đòi tự do nhân quyền cho Myanmar, được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991.

Trong tháng 11.2010, Myanmar cũng tổ chức bầu cử Quốc hội. Và ông Thein Sein, Chủ tịch Đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển, được bầu làm Tổng thống. Tiếp đến, một loạt thay đổi lớn đã diễn ra tại nước này. Đó là trả tự do cho hàng trăm tù nhân, trong đó có nhiều tù chính trị, mở rộng quyền tiếp cận thông tin, lập hội và biểu tình, bắt đầu đối thoại nhằm tiến tới ngừng bắn với một số nhóm sắc tộc ly khai.

Tổng thống Thein Sein cũng đã gặp bà Aung San Suu Kyi ở thủ đô mới Naypyidaw. Vào tháng 4 tới, cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung sẽ diễn ra tại Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà đã được phép ra tranh cử Quốc hội.

Bên cạnh cải cách chính trị, cải cách kinh tế cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ) hồi cuối tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Đường sắt Lwin Thaung cho biết Chính phủ Myanmar đang chuẩn bị thông qua Luật Đầu tư sửa đổi vào cuối tháng 2.2012. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được miễn thuế trong 8 năm và Myanmar cũng có thể xem xét kéo dài thời hạn này.

Một quốc gia có vai trò hỗ trợ lớn trong quá trình chuyển mình của Myanmar là Singapore. Trong khi phương Tây đóng cửa và trừng phạt Myanmar, Singapore lại giúp đỡ nước này khá nhiều. Cuối tháng 1.2012, ông Thein Sein đã đi thăm Singapore và ký kết thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ du lịch cho đến luật pháp, công nghệ, tài chính… Chính phủ Singapore đã đồng ý cử chuyên gia sang hỗ trợ Myanmar hoạch định chính sách kinh tế, thương mại, cải cách hệ thống pháp luật. Việc hợp tác sâu rộng với Singapore có thể sẽ giúp Myanmar tiến thêm một bước về mặt kinh tế.

Triển vọng

Myanmar là một trong những thị trường lớn của châu Á với dân số hơn 60 triệu người, nhưng chưa được khai phá. Đây cũng là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, gỗ, đá quý và có thể trở thành một nhà xuất khẩu hàng đầu về gạo, thủy sản. Nói riêng về gạo, hãng tin Bloomberg cho biết Myanmar đã lập kế hoạch tăng hơn gấp đôi lượng gạo xuất khẩu vào năm 2012, lên 1,5 triệu tấn; năm 2013 lên 2 triệu tấn và đến năm 2015 là 3 triệu tấn.

Ngành du lịch Myanmar đang trên đà phát triển, với các sản phẩm như khu đền thờ gồm hơn 2.000 ngôi chùa và đền đài được xây dựng từ thế kỷ XI đến XII, nằm tại Bagan, thành phố du lịch chính của Myanmar. Các thành phố du lịch nổi tiếng khác của Myanmar là Yangon (với chùa Vàng 2.500 năm tuổi), Mandalay (thành phố của đá quý). Lượng khách quốc tế đến Myanmar năm 2011 dù chỉ đạt 330.000 lượt người nhưng lại có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 20% mỗi năm, theo Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar.

Bên cạnh đó, vì từng là thuộc địa của Anh nên lực lượng lao động nói tiếng Anh của Myanmar không hề nhỏ (nhà trường vẫn sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, bên cạnh tiếng Miến Điện), một lợi thế để tiếp nhận đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, một số công ty nước ngoài đã bày tỏ ý định đầu tư phát triển đường bộ, đường sắt và cảng biển tại đây. Và dầu khí, khai thác khoáng sản, ngân hàng, du lịch cũng có thể sẽ là các lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất. Ông Jim Rogers, Chủ tịch Rogers Holdings (Singapore), nhận xét: “Nếu tìm được hướng đầu tư vào Myanmar lúc này, bạn có khả năng trở nên rất giàu có trong vài ba chục năm tới”.

Theo Cục Quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp Myanmar, từ cuối năm 1988 đến tháng 11.2011, nước này đã thu hút được 40,42 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, kể từ khi mở cửa trở lại, FDI vào Myanmar đã tăng vọt. Năm 2010-2011, Myanmar thu hút được hơn 20 tỉ USD vốn FDI, chiếm đến một nửa so với số vốn thu hút được trong hơn 2 thập kỷ qua.

Trang 1 2 Trang kế tiếp

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11796