Thị trường đồ gỗ: Doanh nghiệp nội thua trên sân nhà

Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta đạt 3,8 tỉ USD và đã có mặt tại hơn 160 nước trên thế giới. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, các sản phẩm của doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại là sản phẩm gỗ của Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…Vì sao thị trường trong nước tiềm năng là vậy, nhưng lại nhường chỗ cho DN ngoại?

Thị trường trong nước béo, DN lại héo hon!

Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam được coi là một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới để các nhà bán lẻ, các DN ngoại nhắm tới, thị trường đồ gỗ nội địa cũng không phải ngoại lệ. Thị trường gỗ trong nước tiềm năng là vậy, tuy nhiên, theo số liệu thống kê cho thấy, hiện tại các DN Việt vẫn chưa mặn mà với thị trường nội, mà hầu hết các DN chế biến gỗ Việt Nam đang cố gắng cạnh tranh nhau để có được đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài. Và mặc nhiên, thị trường gỗ nội lại là thị trưởng “béo bở” để nhà cung cấp nước ngoài khai thác.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường gỗ trong nước, tại Hội thảo “Về cơ hội và rủi ro nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong bối cảnh hiện nay”, ông Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho rằng, thị trường gỗ trong nước đang có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, lại chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về việc thị trường gỗ trong nước đang cần gì, thiếu gì, trong khi đó hầu hết các DN đều đang “tự bơi”.

Doanh nghiệp cần khai thác triệt để tiềm năng thị trường gỗ nội địa để phát triển.

Đề cập đến vấn đề trên, ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho rằng, từ trước đến nay không chỉ có gỗ Đồng Kỵ, mà rất nhiều DN gỗ nội đã tích cực đầu tư phát triển thị trường trong nước, thành quả không được như mong muốn. “Không chỉ vấn đề phải tự bơi, một trong những nguyên nhân chính khiến DN chưa mặn mà với thị trường trong nước là do nguồn gỗ trong nước hạn hẹp, trong khi đó, Chính phủ lại mới ban hành lệnh cấm rừng khiến nguồn nguyên liệu gỗ khó khăn. Hiện giờ, để đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ sản xuất, chúng tôi phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài, vì thế, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên. Với giá thành cao, bán trong nước sẽ rất khó. Trong khi đó, với cùng sản phẩm để xuất khẩu thị trường Mỹ hay Châu Âu, sẽ mang lại giá trị kinh tế hơn rất nhiều. Hơn nữa, đối tác gửi mẫu thiết kế và DN chỉ việc sản xuất”- ông Vương cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Vương, vấn đề thuế giá trị gia tăng cũng như việc từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đến gỗ thành phẩm ra thị trường hiện bị áp nhiều loại thuế khiến DN rất ái ngại. Bên cạnh đó, là việc có đến hơn 90% DN chế biến gỗ trong nước đang hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, đồng thời thiếu vốn. Đặc biệt, khả năng tiếp cận thị trường, truyền thông kém cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN gỗ Việt khó chiếm thị phần trong nước.

Muốn phát triển chỉ còn cách liên kết lại

Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo về Cơ hội và rủi ro Nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong bối cảnh hiện nay, tại Việt Nam hiện có khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vào ngành gỗ, đặc biệt nhất là Trung Quốc với số lượng các DN đăng ký đầu tư rất lớn. Trước thực tế trên, cùng với việc thị trường Việt Nam ngày một mở cửa, đặc biệt sau khi các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết có hiệu lực, theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, ngành gỗ sẽ gặp khó khăn rất lớn. Bởi khi đó, DN nước ngoài sẽ được hưởng thụ mức ưu đãi thuế xuất từ Việt Nam là 0%.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ thị trường trong nước cũng như bảo vệ chính các DN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hà – Giảng viên Trường Cao đẳng Tài chính Kế toán cho rằng, để thúc đẩy thị trường gỗ trong nước phát triển, ngoài việc các DN phải nhanh chóng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, đa dạng mẫu mã, chủng loại, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng…thì cần thiết phải tăng cường đầu tư thiết bị hiện đại, nhằm giảm nhân công, giá thành sản phẩm. Đặc biệt là đẩy mạnh chuỗi liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu thương hiệu, mẫu mã…ngoài ra, các cơ quan chức năng cần ban hành nhiều hơn các chính sách, ưu đãi về mức thuế để DN Việt phát triển được sản phẩm tại thị trường trong nước.

“Hiện nay, liên kết giữa các DN còn yếu và thiếu, vì thế, sản phẩm khó tiếp cận với người tiêu dùng. Để khắc phục vấn đề này, ngoài việc DN liên kết lại với nhau, Nhà nước cũng cần phải có những chương trình, chính sách khuyến khích DN gỗ phát triển thị trường trong nước, thông qua việc giảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu, thuế VAT…Ngoài ra, các ngành chức năng cần triển khai nhiều hơn những chương trình, hội chợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm tạo kênh phân phối để DN tiếp cận thị trường. Từ đó, tạo ra một mạng lưới trung tâm triển lãm, giới thiệu và bán sản phẩm một cách đồng bộ; đồng thời khuyến khích mua sắm công, đầu tư với các sản phẩm gỗ và lâm sản được sản xuất trong nước. Làm được như vậy, chúng ta mới khai thác hết được tiềm năng còn bỏ ngỏ và cạnh tranh được với hàng ngoại” - bà Hà nhận định.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thi-truong-do-go-doanh-nghiep-noi-thua-tren-san-nha-41468.html