Thị trường điện cạnh tranh ra đời: Phá vỡ thế độc quyền

Tại Hội thảo về thị trường điện cạnh tranh do Bộ Công thương tổ chức ngày 18-8 tại Hà Nội, vấn đề mà các doanh nghiệp trong ngành quan tâm là: Khi thị trường điện cạnh tranh ra đời, việc mua bán điện có được minh bạch hơn hay không, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh điện, giá điện có được ổn định...?

2011 sẽ vận hành thị trường điện cạnh tranh Theo lộ trình do Bộ Công Thương xây dựng, thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo 3 cấp độ, mỗi cấp độ được thực hiện theo 2 bước thí điểm và hoàn chỉnh. Cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 - 2014), Cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh (giai đoạn 2015 - 2022). Cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (giai đoạn sau 2022). Đề án thị trường điện cạnh tranh sẽ hoàn thành trong năm nay và năm 2011 đưa vào thử nghiệm, nếu được sẽ thực hiện chính thức hệ thống thị trường phát điện cạnh tranh cuối năm 2011. Theo đề án đưa ra, các nhà máy điện có công suất từ 30MW trở lên đấu nối vào lưới điện quốc gia sẽ được tham giá cạnh tranh phát điện theo các hình thức: trực tiếp giao dịch (chào giá cạnh tranh trực tiếp) và gián tiếp giao dịch (do các đơn vị khác chào thay hoặc công bố sản lượng điện phát). Khi thị trường này vận hành, các nhà máy phát điện sẽ phải cạnh tranh với nhau, chào giá tới đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong khung từ giá sàn tới giá trần. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện chịu trách nhiệm xác định và công bố giá sàn, giá trần phát điện của từng loại nhà máy điện và dự báo phụ tải. Cơ quan điều tiết điện lực giám sát việc chào giá. Với nguyên tắc trên, vị thế độc quyền của EVN trong việc cung ứng điện hiện nay sẽ bị phá bỏ, là một bước ngoặt lớn trong cải tổ ngành điện Việt Nam. Không minh bạch nếu vừa mua, vừa bán, vừa điều hành Trả lời câu hỏi: Liệu khi thị trường này vận hành, các nhà máy điện của EVN có được tách ra khỏi tập đoàn và có đảm bảo được tính minh bạch trong khâu mua – bán điện? Ông Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, thị trường điện cạnh tranh ra đời nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh điện, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động điện lực. “Về nguyên tắc, người bán và mua phải tách biệt ra mới khách quan. Nếu vừa bán, vừa mua, vừa điều hành thì sẽ thiếu minh bạch, còn gì là khách quan nữa”. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, năm 2008, Bộ Công thương đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện, đề xuất tách các nhà máy điện ra khỏi EVN và EVN chỉ còn làm công việc truyền tải, phân phối, mua bán điện, đồng thời quản lý một số nhà máy điện thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, đề án này chưa được Chính phủ phê duyệt vì EVN có ý kiến phản đối. Trên thế giới, khi phát triển thị trường điện cạnh tranh việc đầu tiên là phải tái cơ cấu ngành cho phù hợp thì thị trường mới vận hành tốt được, nếu cứ để như cấu trúc hiện nay thì sẽ khó vận hành một cách minh bạch và hiệu quả. Phương Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=16232&menu=1368&style=1