Thị trường bánh Trung thu: Đến hẹn lại lo an toàn vệ sinh thực phẩm

(HQ Online)- Bên cạnh những thương hiệu bánh Trung thu có uy tín lâu năm như Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh, trên thị trường xuất hiện thêm một số loại bánh giá rẻ của các hộ kinh doanh gia đình, trong đó không ít làm từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Nguyên liệu bánh Trung thu được đựng trong thùng nhựa cáu bẩn tại Công ty CP chế biến thực phẩm Tân Hoàng Gia (xóm Hoa Thám, xã La Phù - ảnh chụp ngày 16-8). Ảnh: Trần Nga.

Vẫn lo vệ sinh thực phẩm

Hàng năm, từ đầu tháng 7 Âm lịch, hoạt động kinh doanh, mua bán bánh Trung thu bắt đầu sôi động. Tuy nhiên, ghi nhận thị trường năm nay, dù đã gần đến cuối tháng, tại các sạp hàng bán bánh Trung thu của các thương hiệu nổi tiếng tại Hà Nội vẫn vắng bóng khách mua. Có một thực tế là do lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đang hướng tới những sản phẩm bánh Trung thu làm thủ công. Đáp ứng nhu cầu trên, tại các chợ đầu mối như Đồng Xuân hay phố Hàng Buồm (chuyên bán phụ gia thực phẩm), người đến mua nguyên liệu làm bánh Trung thu khá nhiều. Dọc dãy phố này, nguyên liệu làm bánh nướng, bánh dẻo được bày bán đủ chủng loại, từ các loại nhân bánh như mứt, bí, lạp xưởng cho đến nước bưởi, nước trà và bột để làm vỏ bánh với đủ màu sắc bắt mắt.

Theo chị Oanh, một tiểu thương bán nguyên liệu để làm bánh Trung thu tại Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội): Cách đây một tháng, nhiều người tiêu dùng đã hỏi mua các loại nhân bánh để về tự làm, cách làm khá đơn giản vì trên bao bì mỗi sản phẩm đã có hướng dẫn sử dụng.

Hỏi mua nhân bánh đậu xanh để làm bánh Trung thu tại một cửa hàng tại phố Hàng Buồm, chủ cửa hàng khá dè dặt và đưa cho phóng viên một gói nguyên liệu trên bao bì có ghi: “Nhân đậu xanh sữa dừa” của Công ty TNHH thực phẩm Fa... Thành phần gồm: Đường, đậu xanh, trà xanh, dầu thực phẩm, hương sen tổng hợp, màu thực phẩm và chất bảo quản thực phẩm, hạn sử dụng 6 tháng”, sản phẩm được bán với giá 70.000 đồng/túi/kg. Nhìn bên ngoài, sản phẩm trên đầy đủ thông tin và địa chỉ, tuy nhiên phần hạn sử dụng được in khá mờ nhạt, theo chủ cửa hàng loại nhân bánh này được nhiều người chọn mua và giá rẻ. Trung bình một túi như trên người làm bánh thủ công có thể làm được 15 – 20 chiếc bánh. Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường, đậu xanh bóc vỏ đã có giá khoảng 60.000 đồng/kg thì 1 kg nhân đậu xanh để làm bánh Trung thu được đóng gói, chế biến, hút chân không đến tay người tiêu dùng lại chỉ có giá nhỉnh hơn là 70.000 đồng/kg (!?)

Cùng với các loại nhân, các loại hương liệu bánh dẻo, bánh nướng cũng được chủ cửa hàng đựng sẵn trong những chiếc can 3 không (không tên, không hạn sử dụng, không thành phần nguyên liệu) được bày bán công khai. Nhiều nhất là các loại can hương liệu để làm bánh nướng, bánh dẻo để trong can 5 lít, xếp thành từng chồng cao quá đầu người với đủ loại. Hỏi về nguồn gốc sản phẩm này, chủ cửa hàng khẳng định: Cửa hàng bán đã lâu năm, uy tín với khách hàng, không bán các sản phẩm vớ vẩn. Một lít hương vỏ bánh nướng được bán với giá 450.000 đồng, có thể làm được hàng trăm chiếc bánh. Muốn có hương bưởi truyền thống trong vỏ bánh dẻo thì có ngay từ chất hương bưởi. Tuy nhiên, khó ai tin được những can 5 lít, trắng phau, ghi vài chữ nguệch ngoạc: “Hương vỏ bánh nướng”, “hương vỏ bánh dẻo” lại là mặt hàng bán chạy, được nhiều người mua về sử dụng.

Ngoài ra, tại chợ Đồng Xuân, tại các quầy đồ khô, những túi hạt dưa bóc vỏ, vừng, lạp xưởng, mứt bí, mứt hạt sen… cũng là những mặt hàng bán khá chạy do phục vụ nhu cầu làm bánh Trung thu cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, phần nhiều các loại nguyên liệu này đều không có bất kỳ nhãn mác gì chứ chưa nói đến ngày sản xuất hay hạn sử dụng.

Đụng đâu sai đó

Hàng năm, cứ vào mùa Trung thu, các hộ gia đình sản xuất bánh lại được chính quyền địa phương triệu tập để tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì tình trạng “đụng đâu sai đó" lại tiếp diễn.

Tuần vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành của Bộ Y tế đã kiểm tra đột xuất 3 cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Qua kiểm tra 3 cơ sở - đều là những cơ sở sản xuất quy mô lớn của làng nghề. Đoàn thanh tra đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm nhiều lỗi khác nhau, từ vệ sinh cơ sở, vệ sinh sản xuất cho đến nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm.

Tình trạng trên cho thấy, ý thức chấp hành các quy định an toàn thực phẩm còn kém là thực trạng chung tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh Trung thu trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là tại các làng nghề. Vì thế, việc tăng mức xử phạt là cần thiết. Song ngay cả khi tăng mức xử phạt thì việc kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử phạt cũng không dễ. Đơn cử như cơ sở Tân Hoàng Gia, ngày 20-5 vừa qua đã bị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt hơn 20 triệu đồng do sản xuất mặt hàng không có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tới nay, cơ sở này vẫn chưa nộp phạt dù đã được đôn đốc tới 3 lần.

Trước thực trạng trên, làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong đã đề nghị phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở không chấp hành. Đặc biệt, để công tác an toàn thực phẩm được thực hiện một cách tốt hơn, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm tại địa phương mình.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thi-truong-banh-trung-thu-den-hen-lai-lo-an-toan-ve-sinh-thuc-pham.aspx